VNReport»Kinh tế»Ngành cao su trở lại thời hoàng kim sau một thập kỷ

Ngành cao su trở lại thời hoàng kim sau một thập kỷ

10:48 - 10/01/2022

Sau 10 năm “lao đao” vì giá xuất khẩu bấp bênh, năm 2021, xuất khẩu của ngành cao su đã đạt kỷ lục mới.

Cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong năm 2021, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu cao su vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su năm 2021 đạt 1,93 triệu tấn, đem về 3,24 tỷ USD. Nhờ giá cao su liên tục tăng cao nên dù lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 11,7% so với năm 2020, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng đến 36,2% so với năm 2020.

Xuất khẩu cao su đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm qua tăng trưởng cao là do các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Canada… tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam. Mặt khác, với vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng.

Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam. Thị phần của cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng đáng kể trong năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021 chiếm 16,7%, tăng mạnh so với mức 14,9% của 10 tháng năm 2020.

Một thị trường xuất khẩu cao su lớn khác của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng là Ấn Độ. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 cung cấp cao su cho Ấn Độ. Trong 10 tháng năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 969,34 nghìn tấn cao su, trị giá 1,93 tỷ USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 72,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), thế giới đã thiếu hụt 329.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021. Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng sủa, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng nhận định, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su trong năm 2021 và có thể cả ở năm 2022 sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, sẽ cho Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về. Trước tình hình lạc quan của thị trường cao su, các Bộ ngành đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhận định trong những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như: kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn; xu hướng tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gia tăng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm bền vững… Do đó, để ngành cao su Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà phát triển cần thực hiện các giải pháp theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu theo hướng bền vững.

Với những xu hướng trên đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong ngành cao su Việt Nam cần phải thực hiện các quá trình chuyển đổi nhanh chóng hơn, nhằm thích ứng với tình hình mới. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đảm bảo được chất lượng cao su, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết đang đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Việt Nam Rubber”. Đây là một trong những việc làm cần thiết bên cạnh việc nâng chất lượng trồng và chế biến cao su nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam.