VNReport»Công nghệ»Thiết bị»Ngành chip rơi vào chu kỳ suy thoái

Ngành chip rơi vào chu kỳ suy thoái

09:53 - 31/10/2022

Nhu cầu đối với sản phẩm công nghệ hạ nhiệt khi kinh tế chậm lại, khiến các nhà sản xuất chip như Intel và Samsung phải đối mặt với một chu kỳ suy thoái.

Sau giai đoạn bùng nổ trong vài năm qua, ngành bán dẫn có vẻ như đang rơi vào chu kỳ suy thoái, khi doanh số bán các thiết bị như máy tính cá nhân và điện thoại thông minh chậm lại nhanh chóng. Những hạn chế mới của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc có khả năng làm tình hình khó khăn hơn.

Các báo cáo kết quả kinh doanh gần đây vẽ ra một bức tranh u ám trong toàn ngành. Hôm thứ Năm, Intel báo cáo mức giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái trong lợi nhuận ròng quy III do doanh thu giảm 20%.

CEO Pat Gelsinger nhắc đến “sự suy giảm đột ngột và rõ rệt về nhu cầu” đã “vượt quá kỳ vọng ban đầu của chúng tôi và hiện đang có tác động toàn ngành đối với chuỗi cung ứng điện tử”. “Khó có thể nhìn thấy bất kỳ tin tốt nào ở phía trước”, ông nói.

Nhu cầu PC giảm sau đợt bùng nổ do làm việc từ xa, suy yếu hơn nữa vì lạm phát lan rộng và kinh tế chậm lại. Một công ty nghiên cứu của Mỹ cho biết lượng smartphone xuất xưởng giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả các trung tâm dữ liệu và điện thoại cao cấp cũng đang yếu đi.

Thị trường chip rơi vào tình trạng dư cung.

Thị trường chip rơi vào tình trạng dư cung.

Nhu cầu giảm đối với những sản phẩm cuối này ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip nhớ thậm chí còn nhiều hơn các nhà sản xuất bộ xử lý như Intel, do nhiều chip nhớ được sử dụng trong cùng một thiết bị. Lợi nhuận ròng của Western Digital giảm mạnh 96% so với cùng kỳ năm ngoái và Samsung Electronics chứng kiến ​​lợi nhuận hoạt động trong mảng bán dẫn của mình giảm 49%.

Lĩnh vực bán dẫn đóng vai trò như một phong vũ biểu cho nền kinh tế toàn cầu vì phải mất nhiều tháng để tạo ra chip. Sự suy giảm đột ngột trong lĩnh vực này cho thấy sắp có một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.

Việc đổ xô tìm mua chất bán dẫn khi kỳ vọng nhu cầu cao trước đó khiến thị trường hiện tràn ngập chip. CEO của Micron Technology, Sanjay Mehrotra, lưu ý về “mức độ điều chỉnh hàng tồn kho chưa từng có của khách hàng” vào tháng 9.

Những điều chỉnh như vậy của các công ty điện tử tiêu dùng và công nghệ đang kéo giá chip xuống thấp hơn. Giá chip nhớ flash giảm 13% đến 18% trong quý III so với quý trước, trong khi giá chip nhớ DRAM giảm 10% đến 15%, theo TrendForce của Đài Loan, với dự báo quý này giảm còn mạnh hơn.

TSMC là điểm sáng hiếm hoi giữa một thị trường ảm đạm. Công ty đúc chip lớn nhất thế giới ghi nhận lợi nhuận ròng tăng vọt 80% trong quý trước, phần lớn nhờ sở hữu gần như độc quyền công nghệ đúc chip 5 nm tiên tiến. Nhưng ngay cả tại TSMC, nhu cầu đối với các chip 7 nm cũng yếu đi. “Công suất sử dụng sẽ không cao như 3 năm trước”, CEO C.C. Wei nói.

Doanh số bán dẫn toàn cầu trong tháng 7 giảm so với cùng kỳ năm ngoái lần đầu tiên sau 32 tháng với mức giảm 2%, tăng lên 4% vào tháng 8, theo dữ liệu từ cơ quan Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS). Mặc dù nguồn cung vẫn tương đối eo hẹp đối với một số sản phẩm dùng trong ô tô và công nghiệp, nhưng toàn bộ thị trường đang nghiêng về tình trạng dư cung.

Sự điều chỉnh tồn kho của khách hàng “có thể sẽ gây ​​tác động lớn nhất vào nửa đầu năm 2023”, ông Wei nói, nhắc lại quan điểm chung trong ngành.

Vào tháng 8, WSTS giảm dự báo tăng trưởng cho thị trường bán dẫn 2,4 điểm phần trăm xuống 13,9% trong năm nay và 0,5 điểm xuống 4,6% trong năm tới. Nhưng tình hình đang trở nên tồi tệ nhanh chóng, và công ty nghiên cứu Omdia của Anh dự đoán thị trường giảm 0,2% trong năm 2023.

Thị trường càng khó khăn hơn vì căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Đầu tháng này, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu yêu cầu các công ty trong nước phải có giấy phép trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc chất bán dẫn tiên tiến hoặc máy móc được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

Quy định của Bộ Thương mại Mỹ mở rộng phạm vi của các sản phẩm trong diện hạn chế và động thái này đã bắt đầu ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Applied Materials – một nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Mỹ – dự đoán rằng doanh thu của họ mất từ 250 triệu đến 550 triệu USD trong quý kết thúc vào tháng 10 do các quy định xuất khẩu.

Với việc các công ty bán dẫn thu hẹp lại chi phí đầu tư, các ngành thiết bị và vật liệu chip có nguy cơ phải đối mặt với sóng gió mạnh hơn.