VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngành công nghệ Mỹ ghi nhận “cơn khát” IPO dài nhất trong 20 năm

Ngành công nghệ Mỹ ghi nhận “cơn khát” IPO dài nhất trong 20 năm

14:34 - 19/09/2022

Các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao bị ảnh hưởng mạnh hơn bởi đợt bán tháo cổ phiếu năm nay.

Sự đi xuống của thị trường chứng khoán kể từ đầu năm gây ra “cơn khát” IPO cổ phiếu công nghệ Mỹ dài nhất trong thế kỷ này. Các chuyên gia đang thận trọng về tốc độ phục hồi ngay cả sau khi những ngành khác có dấu hiệu ban đầu cho thấy sự hồi sinh.

Thứ Tư tuần này sẽ đánh dấu 238 ngày không có IPO công nghệ trị giá hơn 50 triệu USD, vượt qua các kỷ lục trước đó được thiết lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự sụp đổ của bong bóng dotcom đầu những năm 2000, theo nghiên cứu của Morgan Stanley.

Thị trường chứng khoán Mỹ rung chuyển trong năm nay bởi cuộc chiến của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm giảm lạm phát thông qua việc tăng lãi suất mạnh mẽ. Lãi suất cao hơn ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu do nó làm giảm giá trị lợi nhuận trong tương lai và làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.

Năm ngoái, các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao thống trị thị trường IPO kỷ lục và có mức tăng giá rất lớn trong giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán, nhưng chúng cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi đợt bán tháo năm nay. Chỉ số Tổng hợp Nasdaq thiên về công nghệ giảm gần 28% trong năm nay so với mức giảm 19% của chỉ số rộng hơn S&P 500. Trong khi đó, chỉ số Renaissance IPO – theo dõi các công ty Mỹ niêm yết trong 2 năm qua – giảm hơn 45%.

Chỉ số Tổng hợp Nasdaq thiên về công nghệ giảm 28% so với mức giảm 19% của chỉ số S&P 500 rộng hơn.

Chỉ số Tổng hợp Nasdaq thiên về công nghệ giảm 28% so với mức giảm 19% của chỉ số S&P 500 rộng hơn.

“Hiện tại, có rất nhiều sự không chắc chắn trên thị trường và sự không chắc chắn là kẻ thù của thị trường IPO”, theo Matt Walsh – người đứng đầu thị trường vốn cổ phần công nghệ tại SVB Securities. “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thấy sự ổn định trong triển vọng và nhà đầu tư quay trở lại mua chứng khoán công khai hiện có trước khi họ sẵn sàng tiến xa hơn trên đường cong rủi ro và mua các IPO công nghệ”.

Tuần trước, công ty bảo hiểm nhân thọ Corebridge hoàn thành đợt IPO trị giá 1 tỷ USD đầu tiên kể từ tháng 1. Điều đó cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng ngay cả đối với các doanh nghiệp có lợi nhuận tốt và cơ sở hoạt động vững chắc. Ngay cả sau thương vụ Corebridge, tổng khối lượng IPO của Mỹ đã giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái, với chỉ 7 tỷ USD huy động được vào năm 2022 so với 110 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Dealogic.

Corebridge đang được theo dõi chặt chẽ như một dấu hiệu cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư đối với IPO nói chung. Nhưng Nicole Brookshire thuộc công ty luật Davis Polk, chuyên về niêm yết cổ phiếu công nghệ, cho biết các yếu tố khác như kết quả kinh doanh có thể có “tác động lớn hơn” đối với triển vọng của những công ty công nghệ muốn IPO. “Dự báo trở nên tồi tệ hơn với một số công ty và lĩnh vực. Nhiều công ty đang cảm thấy tác động của những khó khăn vĩ mô và điều đó ảnh hưởng đến việc định giá”.

Theo FactSet, các cổ phiếu công nghệ thông tin trong S&P 500 đạt vừa bằng dự báo lợi nhuận trong quý II, nhưng dự báo cho quý III đã nhiều lần bị điều chỉnh thấp hơn, với tổng lợi nhuận hiện dự kiến ​​sẽ giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều tập đoàn công nghệ phản ứng với sự sa sút bằng cách tập trung nhiều hơn vào cắt giảm chi phí và tăng cường khả năng sinh lời, nhưng bà Brookshire cho biết các công ty sẽ cần thời gian để cho thấy những thay đổi đó có tác dụng. “Năm ngoái, có rất ít thảo luận về khả năng sinh lời [giữa các ứng viên IPO]. Bây giờ thì có nhiều hơn, nhưng vấn đề khi chuyển trọng tâm từ câu chuyện tăng trưởng sang câu chuyện lợi nhuận là cần có thời gian để các doanh nghiệp phát hành có thể chứng minh được sự tiến bộ của mình”.

Ông Walsh nói thêm rằng một yếu tố khác là các công ty công nghệ đã huy động rất nhiều vốn tư nhân trước năm nay nên việc IPO không còn cấp bách như trước nữa. Ông dự kiến ​​”một nhóm nhỏ” các công ty vẫn sẽ cố gắng niêm yết trong năm nay, nhưng cho biết hầu hết đều đẩy kế hoạch sang năm 2023.