VNReport»Kinh tế»Ngành đường sắt trên đà lấy lại vị thế

Ngành đường sắt trên đà lấy lại vị thế

17:46 - 12/01/2023

Từng thua thiệt khi cạnh tranh với hàng không giá rẻ hay vận chuyển bằng ôtô, nhờ sự đổi mới toàn diện, ngành đường sắt đang dần lấy lại vị thế.

Trong suốt gần 20 năm, dù 5 lần thay đổi cơ cấu hoạt động, tách, nhập các đơn vị thành viên nhưng không giúp Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giải quyết những vướng mắc và hoạt động hiệu quả hơn mà còn khiến thị phần ngành đường sắt ngày càng thụt lùi.

Thời điểm trước dịch Covid-19, thị phần vận chuyển đường sắt chỉ chiếm vỏn vẹn 0,17% so với mục tiêu 1-2%; về hàng hóa chiếm 0,24% so với mục tiêu 1-3%.

Sau nhiều năm khó khăn, ngành đường sắt bắt đầu có lãi trong năm 2022

Năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt tổng doanh thu hơn 7.700 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 115,8% kế hoạch năm và tăng 14% so với cùng kỳ; giảm lỗ 407 tỷ đồng. Năm 2022 cũng là năm đường sắt bắt đầu có lãi sau nhiều năm khó khăn do cạnh tranh khốc liệt của các loại hình vận tải khác và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dù tăng trưởng bùng nổ nhưng thị phần của ngành vẫn giảm sâu so với trước dịch. Tính chung năm 2022, vận chuyển hành khách đạt 4,4 triệu lượt, tăng tới 205,6% so với cùng kỳ nhưng thị phần giảm còn 0,12%; còn vận chuyển hàng hoá đạt 5,7 triệu tấn, giữ đà tăng 0,9%, với thị phần đảm nhận là 0,28%.

Dễ nhận thấy, dù ngành đường sắt đã nỗ lực cải thiện hình ảnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không đủ sức cạnh tranh và bị bỏ xa so với sự chuyển mình rõ rệt của các phương tiện khác.

Cùng với bộ máy cồng kềnh, việc tái cơ cấu hai doanh nghiệp thành viên là Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn không thành công, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn đến kết quả kinh doanh sa sút và hiệu quả đạt thấp.

Một phần nguyên nhân dẫn đến thị phần đường sắt ngày càng giảm sút là do kết cấu hạ tầng đường sắt của Việt Nam hiện xuống cấp và lạc hậu, thời gian qua công nghiệp đường sắt hầu như chưa có sự thay đổi, chưa được cải tiến và chưa có nhà đầu tư tham gia.

Trong khi đó, nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, cải tạo, bảo trì bị hạn chế. Thống kê cho thấy, nguồn vốn ngân sách cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bình quân 4 năm 2018-2021 chỉ đáp ứng bình quân 40% theo định mức tính đủ, bảo trì ở mức tối thiểu để khai thác, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dư địa phát triển ngành đường sắt là thấy rõ nhưng nhiều nút thắt về hạ tầng bến bãi, đường ray, thiết bị bốc dỡ đã tồn tại nhiều năm qua đang cản trở vận tải đường sắt phát triển.

Về chiến lược phát triển trong thời gian tới của ngành đường sắt, ông Nguyễn Danh Huy – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, ngành đường sắt cần xác định 3 trụ cột là: Kết cấu hạ tầng bao gồm bảo trì và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng; Vận tải; Cơ khí đường sắt.

Trong đó, sản phẩm cuối cùng của đường sắt là vận tải, cung cấp cho người dân và doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa. Đường sắt muốn thu hút được nhiều khách phải cải thiện chất lượng dịch vụ. Tàu trước hết phải an toàn, đúng giờ, thuận tiện, có thế mới hút được khách đi tàu.