VNReport»Kinh tế»Ngành F&B đối mặt nhiều áp lực trong năm 2023

Ngành F&B đối mặt nhiều áp lực trong năm 2023

10:23 - 18/01/2023

Tăng trưởng của ngành F&B dần trùng xuống trong quý 4/2022 và được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023.

Sau hai năm chật vật vì đại dịch, năm 2022, thị trường F&B đã lấy lại được mức tăng trưởng. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng, với tốc độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2016 – 2022 là khoảng 2%. Quy mô doanh thu ngành F&B tăng ấn tượng 39% so với năm 2021, lên mức đạt gần 610 nghìn tỷ, vượt thời điểm trước dịch.

Cùng với đó, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam năm 2022 đạt 333 nghìn tỷ đồng, hồi phục sát với mốc trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Lý giải tốc độ phục hồi đáng ấn tượng của thị trường này, theo đánh giá của iPOS.vn, tăng trưởng doanh thu năm 2022 là nhờ cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế của Chính phủ như nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống, du lịch, đồng thời kích thích người tiêu dùng mua sắm, chi tiêu. Từ đó, doanh số bán hàng của toàn ngành dịch vụ F&B Việt Nam được củng cố và đẩy mạnh.

Ngành F&B gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

Ông Vũ Thanh Hùng – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần iPOS.vn cho rằng, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp có những thay đổi lớn về mặt tư duy kinh doanh, tối ưu hệ thống vận hành và tăng cường trải nghiệm cho thực khách. Thị trường F&B cũng dần hồi phục, đem đến những chuyển biến vô cùng tích cực.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ cơ cấu doanh thu dịch vụ F&B trên cả nước năm 2022 có sự phân hóa mạnh mẽ, thể hiện ở 95% doanh số đến từ dịch vụ ăn uống đơn lẻ như nhà hàng, quán ăn, trong khi đó, chỉ có vỏn vẹn 5% thị phần được ghi nhận đến từ doanh thu từ các chuỗi dịch vụ ăn uống có tối thiểu 10 cửa hàng có thương hiệu.

Từ đó có thể thấy, các nhà hàng, quán ăn uống độc lập vẫn được người dân ưa chuộng hơn cả tại thị trường nội địa. Lý do lớn nhất chính là giá cả đồ ăn thức uống tại các chuỗi dịch vụ ăn uống vẫn khá cao so với thu nhập của người Việt Nam và mới chỉ phổ biến ở các đô thị loại 1.

Mặt khác, thị trường F&B có mức độ tăng trưởng cao trong quý 2 và quý 3 năm 2022, đạt 120% và 128% so với quý 1/2022. Tuy nhiên, quý 4 và đặc biệt là 2 tháng cuối năm 2022 thường là thời điểm bùng nổ của ngành F&B song trong năm 2022 lại trùng xuống. Tăng trưởng cơ sở dịch vụ F&B mở mới trong quý 4 xuống mức 117% so với tốc độ 120-130% của hai quý trước đó. Xu thế này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023.

Trong bối cảnh kinh doanh năm 2023 trùng xuống, các chủ đầu tư đơn lẻ đang có xu hướng dè chừng và phòng thủ, tạm hoãn mở mới để nghe ngóng thêm thị trường.

Trong khi đó, với các thương hiệu lớn, đặc biệt là thương hiệu chuỗi, bằng nguồn vốn tích lũy, đang tranh thủ chiếm lĩnh thị phần khi các đối thủ suy yếu. Các thương hiệu lớn như Golden Gate, Highlands Coffee, The Coffee House… vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi.

Đáng chú ý, doanh nghiệp F&B đang phải đối mặt một loạt những trở ngại trong tiến trình phục hồi và phát triển. Một trong những điều doanh nghiệp lo ngại nhất là về vấn đề nhân sự. Trong đó, mối lo lớn nhất của các đơn vị F&B là việc tìm kiếm nhân sự khó khăn, nhân sự thiếu chuyên nghiệp, chi phí lương nhân sự và khó giữ chân nhân sự.

“Nhân viên ngành F&B thường có tính kiêm nhiệm cao, một người nhưng phải làm 2-3 vị trí. Cơ hội thăng tiến cũng không rõ ràng. Chưa kể, phía doanh nghiệp sử dụng lao động cũng hiếm khi đóng bảo hiểm xã hội, triển khai chính sách lương tháng 13 và các phúc lợi khác. Điều này dẫn đến sức hấp dẫn công việc ngành này ngày càng suy giảm trong vài năm trở lại đây”, báo cáo của iPOS.vn nhận định.

Bên cạnh đó, 99% đơn vị kinh doanh F&B gặp vấn đề về vận hành trong năm 2022. Một số khó khăn khác mà doanh nghiệp F&B phải đối mặt khi gần 50% doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý thu chi và thất thoát nguyên vật liệu. Doanh nghiệp cũng lo ngại việc khách hàng thắt chặt hầu bao, chi tiêu ít hơn trong giai đoạn mới khi tình hình kinh tế năm 2023 đối diện nhiều khó khăn.

Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều sức ép, tuy nhiên, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 18%, đạt 720.300 tỷ đồng. Sau khi hồi phục sau đại dịch, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.