VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành gỗ Việt Nam chịu áp lực về nguồn gốc xuất xứ

Ngành gỗ Việt Nam chịu áp lực về nguồn gốc xuất xứ

14:59 - 02/11/2022

Nghi ngờ về xuất xứ phủ bóng lên ngành gỗ vốn đang ghi nhận lượng đặt hàng đi xuống từ giai đoạn bùng nổ do đại dịch thúc đẩy.

Rủi ro đang tăng lên đối với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu sau thời đỉnh điểm của đại dịch – khi các doanh nghiệp chứng kiến số đơn đặt hàng tăng vọt nhờ người mua nước ngoài cải tạo nơi ở của mình trong thời kỳ phong tỏa Covid.

Tuy nhiên, ngành gỗ phải đối mặt với cáo buộc nhập hàng Trung Quốc để tái xuất khẩu với nhãn “Made in Vietnam” kể từ khi chiến tranh thương mại Trung – Mỹ bắt đầu vào năm 2018. Hiện nay, một cuộc chiến thực sự ở Ukraine làm dấy lên lo ngại rằng các sản phẩm bị trừng phạt từ Nga có thể được chuyển qua Việt Nam. Mối lo ngại thứ ba liên quan đến hoạt động khai thác gỗ nhiên liệu.

Chi nhánh Mỹ của tổ chức phi lợi nhuận Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến tranh khiến gỗ của Nga được vận chuyển qua các nước thứ ba để che giấu xuất xứ. EIA phỏng vấn các đơn vị trung gian ở Trung Quốc và phân tích việc mua gỗ dán và đồ nội thất của Mỹ, kết luận rằng, “Phần lớn bạch dương trong các sản phẩm này đến từ Nga, và đi qua Trung Quốc và Việt Nam trước khi vào Mỹ”.

Rủi ro về uy tín gây thêm áp lực lên ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu đang giảm mạnh.

Rủi ro về uy tín gây thêm áp lực lên ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu đang giảm mạnh.

Việc chuyển tàu là bất hợp pháp nếu hàng hóa được chuyển qua một nước thứ ba không vì mục đích nào khác ngoài trốn thuế hoặc các biện pháp trừng phạt. Một nhà môi giới Việt Nam nói với Nikkei Asia rằng việc chuyển tàu là phổ biến và Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi để thực hiện điều này.

Khi được hỏi về gỗ của Nga vào đầu tháng này, Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam “luôn tôn trọng và tuân thủ đầy đủ” các quy tắc thương mại toàn cầu và đề nghị đàm phán với Mỹ “để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh”. Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành một số cuộc điều tra đối với các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam về cáo buộc chuyển tàu bất hợp pháp. Quyết định về một trong những vụ điều tra này dự kiến được đưa ra trong tháng 11. Hình phạt thường bao gồm phạt tiền hoặc cấm nhập khẩu.

Một đòn giáng nữa vào ngành gỗ là việc Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) tước chứng nhận nguồn cung ứng có đạo đức của một công ty trong nước vào tuần trước.

Tổ chức này chuyên xác minh rằng không có hành động phá rừng và các vi phạm khác trong chuỗi cung ứng. Họ tước chứng nhận của Công ty TNHH Năng lượng An Việt Phát – chuyên xuất khẩu viên nén gỗ làm nhiên liệu – trong 3 năm rưỡi. FSC cho biết vào ngày 18/10 rằng họ nhận được khiếu nại An Việt Phát đã bán “một khối lượng lớn” viên nén gỗ có giấy chứng nhận giả.

FSC cho biết họ sẽ công bố thêm kết quả điều tra của mình về các công ty khác vào cuối năm nay.

Vào tháng 3, hội đồng cho biết gỗ từ Nga và Belarus không được giao dịch với nhãn FSC “cho đến khi cuộc xâm lược kết thúc”.

Những rủi ro về uy tín này đang đè nặng thêm ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thời điểm mà ngành đang vật lộn với nhu cầu giảm mạnh khi thế giới thoát ra từ đại dịch. “Mọi người bị nhốt trong nhà của mình [do các hạn chế Covid], nên 2-3 năm cải tạo nhà được thực hiện trong 1 năm”, giám đốc Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ cho biết.

Trong năm nay, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm 21% từ tháng 8 đến tháng 9, nhiều hơn mức giảm 14,6% trong tổng số lô hàng, theo dữ liệu hải quan. Năm 2020, xuất khẩu đồ nội thất đạt 7,3 tỷ USD, chỉ sau Trung Quốc và Đức. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành vẫn nhìn thấy cơ hội.

Ông Nguyễn Văn Đông – giám đốc Công ty TNHH Hoa Linh ­– cho biết số đơn đặt hàng của công ty ông giảm 50% trong năm nay so với năm 2021 do lạm phát tác động đến nhu cầu và làm tăng chi phí nguyên liệu, trong khi một số chuỗi cung ứng vẫn bế tắc. Trong khi triển vọng trước mắt có thể ảm đạm, ông hy vọng công ty của mình có thể giúp lấp đầy khoảng trống cung ứng do các lệnh trừng phạt đối với Nga. “Ngành công nghiệp đồ gỗ của Việt Nam rất lớn”, ông nói. “Tại sao không sử dụng các nguồn địa phương?”