VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ngành hàng không thế giới thiếu máy bay

Ngành hàng không thế giới thiếu máy bay

12:00 - 07/10/2022

Sau 2 năm gần như chìm trong giấc ngủ đông, ngành hàng không thế giới đang nỗ lực phục hồi song lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt máy bay mới.

Chỉ cách đây một năm, nhiều doanh nghiệp hàng không vẫn lao đao vì đại dịch. Không ít hãng hàng không lâu đời cũng từng “mong manh” trước bờ vực phá sản. Tuy nhiên, bước qua màn u ám của dịch bệnh, ngành hàng không trên toàn thế giới đang trên đà hồi phục tích cực nhờ nhu cầu du lịch tăng cao.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi vượt mức trước khi có dịch Covid-19 vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách đạt 4 tỷ lượt khách.

Sự phục hồi của du lịch kể từ sau đại dịch đã khiến các hãng hàng không phải chạy đua để theo kịp nhu cầu. Song việc lập kế hoạch kinh doanh cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng trở lại của các hãng hàng không đang vấp phải hạn chế lớn khi cả Boeing và Airbus đã chậm giao hàng vài tháng.

Sự chậm trễ giao hàng của Boeing và Airbus ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng hàng không

Người phát ngôn của Boeing cho biết hãng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp để đáp ứng các cam kết với khách hàng. Ngoài các vấn đề về nguồn cung, Boeing đang phải đối mặt với những thách thức về quy định đối với hai phiên bản mới nhất của dòng máy bay 737 MAX.

Bên cạnh đó, đang có một tương lai không mấy sáng sủa nếu Boeing không thể giành được sự chấp thuận của Cục Hàng không Liên bang vào cuối năm nay. Luật liên bang hiện hành sẽ yêu cầu đại tu buồng lái nếu các máy bay không được phê duyệt vào năm 2022.

Đối thủ của Boeing – Airbus cũng vô cùng chật vật trong việc giao hàng trong năm nay. CEO của Airbus cho biết đang cố gắng để vượt qua những khó khăn trong chuỗi cung ứng, tuy nhiên rất khó để có thể đạt được các mục tiêu giao hàng trong năm nay. Theo thống kê, Boeing đã giao 246 chiếc 737 MAX tính đến ngày 23 /9, so với 315 chiếc thuộc dòng máy bay A320 của Airbus.

Sự chậm trễ giao hàng của Boeing đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đối với United Airlines Holdings Inc. Sự thiếu hụt máy bay đã khiến United giảm tần suất trên một số tuyến nội địa, đồng thời rút khỏi một số thị trường nhỏ hơn. Theo hồ sơ chứng khoán và dữ liệu của Boeing, hãng hàng không có trụ sở tại Chicago đã dự kiến ​​sẽ có 53 chiếc Boeing mới trong năm nay để hỗ trợ kế hoạch của hãng phát triển, nhưng chỉ có 7 chiếc 737 MAX mới xuất xưởng tính đến tháng 8.

Hàng hàng không American Airlines Group Inc. cũng gặp phải nhiều khó khăn khi khoảng 20 đơn hàng 737 Max bị trì hoãn giao tới năm sau. Hãng hàng không Aegean của Hy Lạp cũng cho biết đang lên kế hoạch thận trọng cho mạng bay năm tới với dự đoán chậm nhận máy bay Airbus mới. Trong năm nay họ chỉ nhận được một nửa trong số 8 máy bay cho mùa du lịch hè bận rộn.

Steven Udvar-Házy, Chủ tịch Air Lease – đơn vị chuyên cho các hãng hàng không trên thế giới thuê máy bay, dự đoán nhu cầu với máy bay phản lực một lối đi sẽ vượt quá nguồn cung của các nhà sản xuất máy bay trong ít nhất ba năm tới. Cả Airbus và Boeing gần như không đạt được những gì họ đã dự đoán vào 1 năm trước.

Ngày 21/9, các nhà lãnh đạo ngành hàng không cũng cảnh báo hành khách sẽ phải “gồng mình” với giá vé máy bay cao hơn, giữa bối cảnh lĩnh vực này phải đối mặt với những thách thức do đại dịch Covid-19, giá dầu cao và lo ngại xung đột Nga-Ukraine. Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh cho biết áp lực tăng giá vé máy bay sẽ kéo dài đến năm 2023 và thậm chí xa hơn nữa. IATA cho biết, các hãng hàng không đã lỗ 180 tỷ USD trong năm 2020 và 2021 và dự kiến sẽ lỗ thêm 9,7 tỷ USD nữa trong năm nay.