VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngành ngân hàng đánh giá nợ xấu là thách thức lớn nhất trong năm 2023

Ngành ngân hàng đánh giá nợ xấu là thách thức lớn nhất trong năm 2023

08:45 - 21/06/2023

Tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh từ cuối năm 2022.

Các ngân hàng thương mại đánh giá nợ xấu là thách thức lớn nhất đối với sự tăng trưởng của ngành trong năm 2023, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng ở nhiều ngân hàng kể từ cuối năm 2022.

Theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), 100% các ngân hàng nói rằng nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toán hệ thống là một thách thức trong thời gian tới. Trong khảo sát năm trước, 90,9% các ngân hàng đánh giá nợ xấu là một thách thức.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ GDP/tín dụng rất cao và thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng nên nợ xấu là một rủi ro lớn. Theo báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng, có 7 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên 3%. Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên hơn 172.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu chung của các ngân hàng này tăng mạnh lên mức 1,93% tính đến cuối quý I – cao hơn so với trước đại dịch. Rủi ro đặc biệt đến từ ngành bất động sản đang đóng băng. Ngành này chiếm 21% dư nợ tín dụng toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dự nợ trái phiếu ngoài hệ thống tín dụng.

Do đó, các ngân hàng không chỉ đơn thuần muốn tăng trưởng tín dụng, mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro, cân bằng chất lượng tài sản.

Thách thức từ nợ xấu đòi hỏi các ngân hàng tăng trích lập dự phòng. Theo khảo sát, có 71,4% các ngân hàng dự kiến làm điều này trong năm 2023, so với chỉ 45,5% trong năm 2022.

Rủi ro lạm phát – vấn đề mà các ngân hàng cho là nghiêm trọng nhất trong năm 2022 – vẫn được đánh giá là một thách thức bởi 96,4% ngân hàng trả lời khảo sát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước tăng 3,55% bình quân 5 tháng đầu năm, và có xu hướng giảm trong những tháng gần đây.

Nhưng các ngân hàng lo ngại rằng việc tăng giá điện 3% từ tháng 5, tăng lương cơ sở 21% từ tháng 7 và đà tăng giá các dịch vụ y tế, vận tải công cộng … có thể thúc đẩy lạm phát trong nửa cuối năm.

Thách thức lớn thứ ba, theo các ngân hàng, là tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp và có nguy cơ suy thoái. Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới là GDP toàn cầu tăng 2,1% trong năm nay, cao hơn so với dự báo 1,7% đưa ra vào tháng 1 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ 3,1% của năm 2022.

Nền kinh tế toàn cầu u ám ảnh hưởng đến thương mại và triển vọng kinh tế trong nước. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm giảm lần lượt 11,6% và 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong môi trường tăng trưởng thấp, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu vay và đầu tư thấp hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp rơi vào khó khăn tài chính nhiều hơn, dẫn đến rủi ro vỡ nợ.

Một thách thức khác cũng được đa số ngân hàng nhắc đến là sự suy yếu của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu và bancassurance. Họ lo ngại rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của mình và làm xói mòn niềm tin.

Những thách thức còn lại – được khoảng 30% ngân hàng nhắc đến – bao gồm áp lực tăng vốn, các công ty Fintech và rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính.

So với năm 2021 và 2022, triển vọng nửa cuối năm 2023 không tích cực bằng. Chỉ có 14,3% các chuyên gia và ngân hàng được khảo sát cho rằng tốc độ tăng trưởng nửa cuối năm nay sẽ cao hơn nửa cuối năm trước, so với tỷ lệ khoảng 60% trong khảo sát năm 2021 và 2022.

Phần lớn các ý kiến (71,4%) cho rằng ngành ngân hàng sẽ ở trạng thái ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng. Phần còn lại (14,3%) bi quan hơn khi nhận định rằng tốc độ trưởng nửa cuối năm nay sẽ thấp hơn nửa cuối năm trước.