VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành sản xuất châu Á chậm lại khi nhu cầu hạ nhiệt

Ngành sản xuất châu Á chậm lại khi nhu cầu hạ nhiệt

11:21 - 02/12/2022

Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đều ghi nhận chỉ số PMI ngành sản xuất thấp. Ấn Độ tiếp tục có kết quả vượt trội so với phần còn lại của khu vực.

Các nhà máy ở châu Á gặp khó khăn trong tháng trước khi họ phải đối mặt với chi phí cao hơn, làm suy yếu đồng nội tệ và hạ nhiệt nhu cầu toàn cầu. Áp lực dự báo tiếp tục trong những tháng tới.

Các nhà sản xuất trên khắp khu vực đang giảm sản lượng và việc làm, với tâm lý kinh doanh trở nên ảm đạm hơn khi chuẩn bị cho việc khách hàng Mỹ và châu Âu giảm chi tiêu hơn nữa, theo các dữ liệu Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) ngành sản xuất mà S&P Global công bố hôm qua.

Việt Nam ghi nhận mức suy giảm mạnh nhất trong khu vực, với PMI giảm xuống 47,4 từ 50,6 vào tháng 10, lần đầu tiên sau hơn một năm chỉ số này giảm xuống dưới 50 – ranh giới ngăn cách giữa mở rộng và thu hẹp.

PMI ngành sản xuất của Trung Quốc dưới mốc 50 tháng thứ 4 liên tiếp.

PMI ngành sản xuất của Trung Quốc dưới mốc 50 tháng thứ 4 liên tiếp.

Tại Nhật Bản, PMI lần đầu tiên giảm xuống dưới 50 sau gần 2 năm. Các trung tâm sản xuất hàng điện tử Đài Loan và Hàn Quốc cũng chậm lại do các nhà sản xuất giảm thu mua nguyên liệu và hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu ở nước ngoài yếu hơn.

Những chỉ số PMI tệ là dấu hiệu mới cho thấy các nhà máy trên thế giới đang bước vào một mùa đông dài khi thương mại toàn cầu hạ nhiệt. Hoạt động sản xuất vừa mới bắt đầu phục hồi sau các đợt phong tỏa và gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến Covid-19, khiến lo ngại tăng lên về khả năng suy thoái toàn cầu.

Ở Đài Loan, PMI tăng nhẹ so với tháng 10, nhưng chỉ đạt mức thấp 41,6, “cho thấy hiệu suất yếu nhất của lĩnh vực này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009”, phó giám đốc kinh tế của S&P Global Market Intelligence Annabel Fiddes cho biết.

Tại Trung Quốc, thước đo hoạt động sản xuất do Caixin và S&P Global cùng công bố hôm qua đạt 49,4 vào tháng trước, duy trì dưới mốc 50 trong tháng thứ 4 liên tiếp. Dữ liệu này được công bố sau một loạt các dữ liệu xấu được Bắc Kinh công bố vào thứ Tư, cho thấy hoạt động sản xuất và phi sản xuất giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa vào tháng 4.

Dữ liệu cho thấy ảnh hưởng rõ ràng của đợt bùng phát Covid-19 và các hạn chế liên quan. S&P Global cho biết rằng các công ty giảm hoạt động mua nguyên liệu và giảm số lượng nhân viên hơn nữa do sản lượng của nhà máy giảm với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước trong bối cảnh hạn chế đi lại.

Có những điểm sáng ở Nam Á và Đông Nam Á – khi hoạt động của nhà máy ở Philippines, Thái Lan và Indonesia tiếp tục mở rộng. Chỉ số PMI sản xuất của Ấn Độ tiếp tục vượt trội so với phần còn lại của khu vực, tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng là 55,7 từ mức 55,3 của tháng trước. Nhà kinh tế Rahul Bajoria của Barclays PLC cho biết những đơn đặt hàng xuất khẩu ở Ấn Độ vẫn không bị ảnh hưởng, “không giống như phần còn lại của châu Á”.