VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành sản xuất Việt Nam: Đơn hàng mới giảm mạnh, tâm lý xuống thấp nhất 44 tháng do thông báo thuế quan

Ngành sản xuất Việt Nam: Đơn hàng mới giảm mạnh, tâm lý xuống thấp nhất 44 tháng do thông báo thuế quan

10:46 - 05/05/2025

PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4 giảm sâu xuống còn 45,6 – mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Sản lượng, số đơn hàng mới, việc làm và mua hàng đầu vào đều giảm mạnh.

Thông báo thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến ngành sản xuất Việt Nam thu hẹp trở lại trong tháng 4, theo một báo cáo mới của S&P Global.

Sản lượng, số đơn hàng mới, việc làm và mua hàng đầu vào đều giảm mạnh. Niềm tin kinh doanh rơi xuống mức thấp nhất trong 44 tháng do lo ngại về những tác động sâu hơn của thuế quan với sản lượng trong tương lai. Nhu cầu kém khiến các doanh nghiệp giảm tiếp giá bán hàng, trong khi giá hàng đầu vào chỉ tăng nhẹ.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam trở về dưới ngưỡng 50, sau khi đạt trên ngưỡng này lần đầu trong bốn tháng vào tháng 3 (ngưỡng 50 phân cách giữa tăng trưởng và thu hẹp).

PMI 45,6 của tháng 4 là thấp nhất kể từ tháng 5/2023.

Số đơn hàng mới, sau khi tăng trong tháng 3, đã giảm mạnh trong tháng 4. Hơn nữa, mức giảm này là lớn nhất trong gần 2 năm. Những người trả lời khảo sát nói rằng số đơn hàng mới giảm phản ánh công bố thuế quan của Mỹ và những biến động trong tình hình thị trường quốc tế.

Số đơn hàng xuất khẩu mới giảm còn sâu hơn so với tổng số đơn hàng mới trong bối cảnh thông báo thuế quan. Chuỗi 6 tháng giảm số đơn hàng xuất khẩu mới là dài nhất kể từ tháng 1/2023.

Các nhà sản xuất cũng rất lo ngại về tác động của thuế quan lên sản lượng trong những tháng tới. Niềm tin kinh doanh giảm sâu và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, cũng là một trong những mức thấp nhất từng được ghi nhận.

Sản lượng thấp hơn khiến các nhà sản xuất giảm biên chế trong tháng thứ bảy liên tiếp. Hơn nữa, mức giảm việc làm trong tháng 4 cao nhất trong 3 năm rưỡi.

Các doanh nghiệp cũng giảm mạnh mua hàng đầu vào vì số đơn hàng mới và sản lượng thấp hơn. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này giảm và mức giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2023.

Môi trường nhu cầu kém hơn cũng ảnh hưởng đến giá cả trong tháng 4. Giá đầu vào tiếp tục tăng do giá một số nguyên liệu, nhưng mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2023. Một số doanh nghiệp nhắc đến chi phí nhiên liệu và vận tải thấp hơn.

Giá bán hàng đầu ra giảm tháng thứ tư liên tiếp, với mức giảm sâu nhất trong 21 tháng, dù vẫn khiêm tốn.

Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét: “Việc Mỹ áp thuế quan đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào vùng thu hẹp trong tháng 4, với các công ty ghi nhận mức giảm đáng kể về số đơn hàng mới, xuất khẩu và sản lượng. Hơn nữa, khả năng gián đoạn hơn nữa với ngành do các thuế quan bổ sung khiến niềm tin kinh doanh giảm sâu và là một trong những mức thấp nhất từng ghi nhận. Trong tình hình bất ổn, việc tiếp tục theo dõi dữ liệu PMI Việt Nam trong những tháng tới sẽ quan trọng để xem tình hình kinh doanh thay đổi như thế nào”.

Tham khảo:

https://www.pmi.spglobal.com/Public/Home/PressRelease/9d9dfb03998e48f69ab59a8750c625cc