VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Ngành thời trang Mỹ gặp khó do nhà máy Việt Nam đóng cửa

Ngành thời trang Mỹ gặp khó do nhà máy Việt Nam đóng cửa

09:53 - 07/09/2021

Việc các nhà máy ở Việt Nam đóng cửa càng làm trầm trọng thêm sự gián đoạn nguồn cung đối với các công ty thời trang Mỹ. Việt Nam là cơ sở sản xuất quan trọng của các thương hiệu này.

Một loạt các công ty thời trang quốc tế – bao gồm Nike, Gap, Urban Outfitters, Steve Madden và PVH, công ty mẹ của Calvin Klein và Tommy Hilfiger — đã chứng kiến ​​cổ phiếu giảm trung bình khoảng 8% kể từ ngày 9/7, khi TP HCM giãn cách xã hội quy mô lớn lần thứ 2 sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Tại các khu vực bị ảnh hưởng ở Việt Nam, hầu hết các nhà máy vẫn đang ngừng hoạt động.

Phản ứng trên của nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở, khi mà các thương hiệu may mặc dựa nhiều vào việc sản xuất ở Việt Nam. Đối với các công ty Mỹ, Việt Nam càng quan trọng hơn khi họ đã chuyển nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc để tránh chi phí sản xuất gia tăng và thuế quan. Việt Nam chiếm gần 1/3 sản lượng giày dép và 1/5 sản lượng hàng may mặc của Mỹ tính theo giá trị, theo Hiệp hội Quần áo & Giày dép Mỹ.

1/3 sản lượng giày dép và 1/5 sản lượng quần áo của Mỹ được sản xuất ở các nhà máy Việt Nam.

1/3 sản lượng giày dép và 1/5 sản lượng quần áo của Mỹ được sản xuất ở các nhà máy Việt Nam.

Chẳng hạn, hơn một nửa sản lượng giày dép của Nike được sản xuất tại Việt Nam, trong khi Gap và Lululemon phụ thuộc vào Việt Nam với khoảng 1/3 sản lượng. Vào giữa tháng 8, một nhóm gồm hơn 80 công ty giày và may mặc, bao gồm Nike và Gap, đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden để thúc giục tăng tốc tài trợ vaccine của Mỹ cho Việt Nam. Sức khỏe của ngành công nghiệp may mặc Mỹ “phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe của ngành công nghiệp Việt Nam”, nhóm cho biết trong thư.

Việc ngừng hoạt động các nhà máy đánh đúng vào thời điểm mà những công ty thời trang thường bắt đầu dự trữ hàng cho mùa lễ hội cuối năm, theo nhà phân tích Janine Stichter. Bà cho biết, trong khi các vấn đề về chuỗi cung ứng đã tích lũy trong cả năm, thì sự bế tắc ở Việt Nam là khó khăn tồi tệ nhất mà ngành công nghiệp may mặc gặp phải cho đến nay. Ngay cả khi các nhà máy ở Việt Nam hoạt động trở lại, các đơn đặt hàng bị trì hoãn sẽ có khả năng “chất đống và có thể gây quá tải cho các chuỗi cung ứng và vận tải quốc tế cùng lúc”, theo một báo cáo từ ngân hàng đầu tư Cowen.

Trong khi đó, sự thiếu hụt hàng tồn kho trong dịp lễ của các thương hiệu Mỹ có thể tạo cơ hội cho những công ty phụ thuộc ít hơn vào châu Á về nguồn cung. Nhà bán lẻ thời trang nhanh châu Âu Inditex, sở hữu Zara, có nguồn hàng chủ yếu từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Morocco. Canada Goose, chuyên bán quần áo mùa đông, sản xuất các sản phẩm của mình ở Canada.

Mức ảnh hưởng đối với các nhà bán lẻ cũng sẽ phụ thuộc vào loại trang phục họ bán. Các công ty giày dép dường như đã tránh được tác động tồi tệ nhất trong mùa lễ hội sắp tới. Theo bà Stichter, họ có xu hướng đặt hàng trước 6 tháng so với thời gian 3 tháng mà những công ty bán quần áo thường làm. Điều đó có thể giúp giải thích lý do tại sao, mặc dù sản xuất nhiều ở Việt Nam, giá cổ phiếu của cả Nike và Crocs đều tăng kể từ đầu tháng 7. Crocs cho biết trong cuộc họp trực tuyến công bố lợi nhuận tháng 7 rằng công ty cảm thấy “thực sự thoải mái” về hàng tồn kho ngay cả với những bất ổn do đóng cửa nhà máy.

Khả năng vượt qua các thách thức trong chuỗi cung ứng của các công ty cũng sẽ phụ thuộc vào quy mô của họ. Các công ty lớn hơn với quy mô đặt hàng lớn hơn có khả năng được ưu tiên so với các nhà cung cấp có năng lực hạn chế. Gap, công ty bán hàng may mặc trị giá khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, đã đưa ra triển vọng cả năm trong cuộc họp trực tuyến công bố lợi nhuận vào cuối tháng 8 bất chấp các vấn đề về chuỗi cung ứng. Giám đốc điều hành Sonia Syngal cho biết “mối quan hệ lớn trị giá hàng tỷ đô la” với các nhà sản xuất mang lại cho công ty khả năng đối phó với sự gián đoạn nguồn cung ở Việt Nam.