VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nghệ sĩ cần tuân thủ pháp luật khi livestream bán hàng

Nghệ sĩ cần tuân thủ pháp luật khi livestream bán hàng

12:23 - 02/10/2024

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc livestream bán hàng đã trở thành một xu hướng phổ biến, đặc biệt trong giới nghệ sĩ. Từ hoa hậu, ca sĩ, diễn viên,… đều có thể trở thành “ngôi sao chốt đơn” trên các buổi livestream. Đáng chú ý là thu nhập của buổi bán hàng trên livestream này là những con số khủng hơn cả cát-xê mà người nổi tiếng nhận được.

Ví dụ như Diệp Lâm Anh từng tiết lộ doanh thu bán hàng online khủng nhất cô từng đạt được là 4 tỉ đồng. Công việc này giúp cô có thể kiếm gấp 10 – 20 lần cát-xê dự sự kiện. Hay như hoa hậu Khánh Vân sau 3 giờ livestream đã công khai doanh thu bán hàng đạt là 1,19 tỉ đồng, với gần 3.000 người mua. Không khó nhận ra có nhiều nghệ sĩ đã tận dụng sự ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội để tạo ra nguồn thu nhập bổ sung.

Tuy nhiên, việc livestream không chỉ đơn thuần là một hoạt động kinh doanh mà còn phải tuân thủ các quy định pháp luật. Hơn thế nữa, người nổi tiếng khi bán hàng online lại càng cần phải chú trọng đến chất lượng của sản phẩm hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng.

Diệp Lâm Anh là một trong những nghệ sĩ có doanh thu bán hàng “khủng” qua các buổi livestream

Nếu một người bình thường bán hàng kém chất lượng sẽ bị người tiêu dùng “bóc phốt”, bị yêu cầu hoàn tiền… thì với một nghệ sĩ, ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn, thậm chí còn tác động tiêu cực đến lĩnh vực nghệ thuật mà họ đang theo đuổi. Do đó, chất lượng sản phẩm mà người nổi tiếng livestream bán là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề chất lượng sản phẩm, thực tế, người nổi tiếng hay bất cứ cá nhân nào khi vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng cấm đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với mức phạt tối đa đối với cá nhân vi phạm 200.000.000 đồng và đối với tổ chức vi phạm là 400.000.000 đồng tùy theo chủng loại hàng hóa và nội dung vi phạm trên thực tế. Trong trường hợp nghiêm trọng, các cá nhân buôn bán hàng giả, hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh buôn bán hàng cấm tại điều 190 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) hoặc tội danh buôn bán hàng giả tại các điều 192, 193, 194, 195 bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã cho ý kiến dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo, giải quyết tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh ngày càng có nhiều người nổi tiếng tham gia chốt đơn như hiện nay.

Theo đó, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo dự thảo luật, riêng với người có ảnh hưởng (như nghệ sĩ, KOL…), ngoài có nghĩa vụ như người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, các đối tượng này còn có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Dự thảo Luật nêu rõ: Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng có cái nhìn khách quan hơn với sản phẩm mà mình lựa chọn.

Chính người tiêu dùng cũng phải chủ động bảo vệ quyền lợi trong bối cảnh livestream bán hàng lên ngôi như hiện nay. Hãy sáng suốt trong hoạt động mua hàng qua các kênh livestream, đặc biệt là của người nổi tiếng. Ngoài ra, khi sản phẩm của người nổi tiếng có bất kỳ vấn đề gì, hãy kịp thời phản ánh để giải quyết tình trạng nghệ sĩ bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Việc nghệ sĩ nói riêng và người có sức ảnh hưởng nói chung livestream bán hàng kiếm thêm thu nhập là việc làm chính đáng. Điều duy nhất, không chỉ nghệ sĩ mà bất kì ai bán hàng online cần hết sức chú trọng là chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của người bán. Các nền tảng trung gian như sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cũng phải ràng buộc trách nhiệm nếu có phát sinh những bất cập về chất lượng hàng hóa, ảnh hưởng người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường cập nhật thêm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi bổ sung các quy định pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động TMĐT, nhất là các hoạt động bán hàng của người nổi tiếng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo: https://thanhnien.vn/nghe-si-can-tuan-thu-phap-luat-khi-livestream-ban-hang-18524100121225397.htm

https://antv.gov.vn/kinh-te-5/can-nhung-quy-dinh-chat-che-ve-nguoi-noi-tieng-kinh-doanh-online-B9509CD47.html