VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua sắm trên Temu – sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép

Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua sắm trên Temu – sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép

11:58 - 01/11/2024

Theo thông báo từ Bộ Công Thương, Temu là một trong những sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Bộ Công Thương cũng lên tiếng cảnh báo, người dân cần hết sức thận trọng khi giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như thế này.

Thời gian gần đây, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu xuất hiện ở khắp các mặt trận truyền thông với lời giới thiệu giá rẻ, hệ sinh thái đa dạng các loại hàng hoá từ làm đẹp đến đồ gia dụng nhận được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng. Temu còn tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam bằng chính sách trả hoa hồng đến 30% và hàng loạt các mặt hàng có mức giảm giá sâu, thậm chí có mặt hàng giảm đến 70%.

Tuy nhận được nhiều sự trông ngóng là thế nhưng thực tế, theo thông báo từ Bộ Công Thương, Temu là một trong những sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã lên tiếng cảnh báo, người dân cần hết sức thận trọng khi giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như thế này.

Theo đó, mới đây, Bộ Công Thương ra công văn liên quan đến các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein hay 1688, mặc dù đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động. Chính vì vậy, người dân cần thận trọng, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng, tránh rơi vào bẫy giảm giá để đảm bảo quyền lợi của chính mình.

Bên cạnh đó, khi tham gia mua sắm trên bất cứ nền tảng trực tuyến nào, người tiêu dùng cũng cần phải lưu ý để đảm bảo việc mua sắm an toàn, tránh những rủi ro có thể gặp phải.

Riêng với sàn thương mại điện tử Temu, Bộ Công thương cho biết, đã yêu cầu đơn vị này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu Temu không tuân thủ thì sẽ có giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động của sàn này. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký. Việc này sẽ được thực hiện thường xuyên.

Temu thu hút người tiêu dùng nhờ cung cấp các sản phẩm với giá rẻ ở nhiều danh mục, từ đồ điện tử, đồ gia dụng cho đến thời trang. Nhiều mặt hàng được giảm giá sâu, có sản phẩm giảm tới 2 – 3 lần so với giá gốc hoặc khuyến mại lên tới 90%. Theo lý giải của các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, nguyên do hàng trên sàn Temu giá thấp là bởi sàn TMĐT này đã áp dụng mô hình kinh doanh M2C. Nghĩa là thay vì đi qua trung gian như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, bán lẻ, quảng cáo thì hàng hóa sẽ đi thẳng từ các nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, vì thế nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ các khâu trung gian.

Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của YouNet Media, số người thất vọng về giá cả trên Temu chiếm hơn 10% lượng thảo luận. Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng: “Soi giá thì thấy cũng chưa rẻ”, “Chính sách bảo hành, đổi trả không rõ ràng”, “Liệu có rủi ro bảo mật tài khoản khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng hay không?”…

Temu nổi tiếng với khẩu hiệu “mua sắm như tỷ phú”

Hơn nữa, hiện tại, Temu chưa hỗ trợ hình thức thanh toán khi nhận hàng tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc người dùng phải thanh toán trước khi nhận được sản phẩm. Temu chỉ chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay và chưa hỗ trợ các ví điện tử phổ biến khác. Điều này có thể dẫn đến rủi ro khi người mua đã thanh toán nhưng sản phẩm nhận được không đảm bảo chất lượng, hàng giả hoặc không đúng như mô tả.

Đặc biệt, một số gian hàng trên sàn Temu đã sử dụng chiêu trò đánh lừa khách hàng bằng cách mô tả sản phẩm không tương thích với giá. Chẳng hạn, sản phẩm bán ra chỉ là phần cánh quạt hoặc chân đế của một chiếc flycam, nhưng hình ảnh mô tả sản phẩm trên Temu là toàn bộ chiếc flycam đó, khiến nhiều người lầm tưởng flycam đang được bán với mức giá rẻ nên nhanh chóng đặt hàng, mà không nhận ra sản phẩm mình đang đặt mua chỉ là một phần linh kiện nhỏ. Thực tế, một số shop order hoạt động trên Shopee cũng đã sử dụng chiêu trò này để thu hút người tiêu dùng.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo cho người tiêu dùng trên toàn quốc là hãy có một sự lựa chọn. Thứ nhất, lựa chọn sàn cho chuẩn, sàn đã được cấp phép vào Việt Nam. Thứ hai nữa là hàng hóa dịch vụ rất đa dạng, cho nên mình cũng phải cân nhắc lựa chọn, thấy là phù hợp và tin tưởng thì lựa chọn.

Còn nếu như thấy không tin tưởng, sự lựa chọn mình chứa đựng rủi ro, chúng tôi cho rằng hãy dừng lại. Việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài sẽ vào nhiều hơn, bởi vì thị trường Việt Nam trở nên rất là ‘hot’ và rõ ràng là sức tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng hằng ngày thì rất lớn. Chúng tôi cho rằng về mặt quản lý nhà nước thì cũng phải siết chặt để chúng ta cố gắng có môi trường trong sạch cho người tiêu dùng”.

Nhìn chung, sự xuất hiện của Temu trong bối cảnh mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, không chỉ tạo ra sự cạnh tranh lớn trên thị trường mà còn có thể đẩy mạnh vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chính vì thế, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn hàng hoá, đồng thời cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức, các chỉ đạo của các Bộ, Ban, ngành về các sàn TMĐT chưa được cấp phép này để bảo vệ bản thân và gia đình.

https://antv.gov.vn/kinh-te-5/can-trong-khi-mua-sam-truc-tuyen-tren-cac-san-tmdt-chua-duoc-cap-phep-4DD25269F.html