VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu

Người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu

11:13 - 26/02/2025

Trong bối cảnh cơ cấu việc làm đang thay đổi mạnh, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu mua sắm hàng hoá, tập trung vào những nhu cầu thiết yếu và hạn chế các khoản chi tiêu không cần thiết.

Nguồn tin từ Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam cho thấy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua có giảm.

Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Kantar Worldpanel Việt Nam cũng cho thấy xu hướng thắt chặt chi tiêu sau Tết của người tiêu dùng, thậm chí Kantar Worldpanel khẳng định sự thắt chặt chi tiêu đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Theo đó, Kantar đã nhận thấy sự không tự tin trong chi tiêu của người tiêu dùng ngay từ đầu năm 2024. Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, nhiều người đã chọn tiết kiệm cho ngày lễ lớn nhất của Việt Nam vì lo ngại về khó khăn tài chính trong tương lai.

Mặc dù triển vọng kinh tế cho Tết 2025 có vẻ tích cực hơn, nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra thận trọng về tình hình tài chính của mình, cho thấy họ đang tiếp cận chi tiêu một cách cẩn trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết rằng mặc dù tiêu dùng cuối cùng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, chiếm hơn 63% GDP, nhưng tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2024. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,9%, thấp hơn so với 6,8% của năm trước.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua có giảm.

Khảo sát từ các chợ truyền thống, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi cho thấy sức mua đã giảm từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Mặc dù một số mặt hàng có giá tăng nhẹ làm hạn chế sức mua, nhưng nhìn chung, người tiêu dùng chỉ tập trung vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và lượng mua cũng giảm.

Chia sẻ với VOV, Chị Phan Thúy Liễu, chủ một cửa hàng quần áo trên phố Chùa Bộc, cho biết doanh số mùa Đông năm nay rất thấp, giảm mạnh so với các năm trước. Chị cho rằng, do tinh giản và sáp nhập, khiến nhu cầu mua sắm thời trang của khách hàng, chủ yếu là công chức, viên chức, giảm hẳn. Những năm trước, doanh thu hàng ngày của cửa hàng có thể lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng năm nay giảm tới 70%, có ngày cửa hàng không bán được sản phẩm nào.

Thực tế, việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong đó, việc làm và thu nhập của các hộ gia đình vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là ảnh hưởng lớn những người làm công ăn lương, khiến nhiều người phải thắt chặt chi tiêu và hoãn lại các khoản mua sắm lớn. Khi nguồn thu nhập giảm và các chính sách kích cầu chưa hiệu quả, việc các nhà phân phối và doanh nghiệp chưa hợp tác để tạo ra chuỗi giảm giá và khuyến mãi liên tục càng làm khó người tiêu dùng. Thêm vào đó, niềm tin của người tiêu dùng cũng giảm, làm cho họ trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu.

Do đó, để thích ứng với xu hướng thắt chặt chi tiêu này, các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh linh hoạt và hiệu quả. Việc tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, đồng thời tối ưu hóa chi phí sản xuất và vận hành là những yếu tố quan trọng để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhà nước cũngc= cần nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể và chi tiết. Cần có các chương trình giúp những người mất việc tìm kiếm công việc mới thông qua đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời, chính phủ cũng nên tạo điều kiện cho người lao động mất việc có vốn và khả năng khởi nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

https://vov.vn/kinh-te/nguoi-tieu-dung-dang-phai-that-chat-chi-tieu-post1156918.vov