VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người tiêu dùng Việt chi 1 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến mỗi tháng

Người tiêu dùng Việt chi 1 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến mỗi tháng

10:30 - 04/12/2024

Thị trường TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có khi người tiêu dùng chi tới 1 tỷ USD mỗi tháng để mua sắm trực tuyến. Số tiền này được người tiêu dùng chi trên 5 nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.

Con số 1 tỷ USD này nhận được nhiều chú ý bởi thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam chỉ dưới 300 USD mỗi tháng. Theo báo cáo mới nhất từ bộ ba Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã tăng từ 15 tỷ USD vào năm 2022 lên mức 22 tỷ USD vào năm nay. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, con số đầu tư vào quy mô này sẽ còn tiếp tục tăng, dự đoán đến năm 2030, con số này sẽ chạm mốc 63 tỷ USD.

Tờ Techinasia nhận định, Việt Nam là một thị trường gây được sự chú ý lớn, thu hút một vài gã khổng lồ TMĐT ở châu Á. Hơn nữa, các sàn TMĐT nội địa cũng không kém cạnh khi cạnh tranh nội địa ngày càng gay cấn.

Thực tế, trước đây, thị trường TMĐT Việt Nam chỉ chứng kiến cuộc đua giữa hai ông lớn ngoại là Shopee, Lazada và hai nền tảng nội địa Tiki, Sendo. Trong khi Tiki ra đời năm 2010 với mô hình kinh doanh học hỏi từ Amazon, thì Sendo cũng từng có thời kỳ huy hoàng khi được tách ra từ FPT năm 2012. Dù từng có ý định sáp nhập để tăng sức cạnh tranh nhưng thương vụ này đã không thành hiện thực.

Người tiêu dùng chi 1 tỷ mỗi tháng để mua sắm trên 5 nền tảng lớn nhất Việt Nam là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.

Từ cuộc đua giữa Shopee, Lazada cùng bộ đôi nội địa Tiki-Sendo, thị trường giờ đây chứng kiến sự xâm nhập mạnh mẽ của những tên tuổi mới như TikTok Shop và Temu.

Theo đó, TikTok Shop gia nhập thị trường TMĐT Việt Nam đầu năm 2022 nhưng đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt livestream với những phiên bán hàng đạt doanh thu hàng triệu USD. Trong một báo cáo ra mắt vào tháng 6, Momentum Works dự đoán TikTok Shop đã chiếm 24% thị phần thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm 2023, chỉ xếp vị trí thứ 2 sau Shopee và đã vượt Lazada (công ty chỉ chiếm 14% thị phần).

Gần đây, sự xuất hiện của Temu vào tháng 10 với chiến lược cạnh tranh về giá càng làm thay đổi cục diện thị trường. Thị trường ngập hàng hoá giá rẻ từ Trung Quốc làm gián đoạn hiện trạng cuộc chiến khốc liệt trong lĩnh vực TMĐT.

Sự cạnh tranh khốc liệt của các sàn TMĐT xuyên biên giới đã khiến các sàn TMĐT nội địa bị “đuối sức” và gặp khó khăn. Quý 3 năm 2024, báo cáo từ công ty nghiên cứu Metric cho thấy rằng doanh số tại cả Tiki và Sendo đã sụt giảm mạnh trong những quý gần đây.

Cụ thể, theo báo cáo quý 3/2024 của công ty nghiên cứu thị trường Metric, cả Tiki và Sendo đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại đáng kể. Ngay cả Shopee và Lazada cũng đang đối mặt với áp lực cạnh tranh mới từ TikTok Shop – nền tảng đã tạo nên cơn sốt bán hàng livestream với doanh thu kỷ lục.

Điều đáng chú ý là trong tổng số 1 tỷ USD chi tiêu mỗi tháng của người tiêu dùng Việt, phần lớn lại đang chảy vào túi các công ty nước ngoài. Shopee thuộc về Sea Limited (Singapore), Lazada là công ty con của Alibaba (Trung Quốc), TikTok Shop của ByteDance (Trung Quốc), và Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc). Trong khi đó, hai nền tảng nội địa Tiki và Sendo đang ngày càng thu hẹp quy mô và thị phần.

Như vậy,việc người tiêu dùng Việt chi tiêu 1 tỷ USD mỗi tháng cho mua sắm trực tuyến cho thấy tiềm năng vô hạn của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Song, rõ ràng bên cạnh cơ hội, các sàn TMĐT nội địa cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng nước ngoài. Trong bối cảnh này, để tận dụng tối đa cơ hội cũng như vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp và sàn TMĐT nội địa cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng lòng tin với khách hàng.

https://cafebiz.vn/cuoc-chien-tmdt-22-ty-usd-tai-viet-nam-tiki-thoi-thop-truoc-nhung-doi-thu-qua-manh-lazada-bi-vuot-mat-boi-san-chua-day-1-nam-tuoi-17624120309002458.chn