VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người tiêu dùng Việt Nam đang chi tiêu xa xỉ mạnh hơn

Người tiêu dùng Việt Nam đang chi tiêu xa xỉ mạnh hơn

11:49 - 06/02/2025

Thu nhập tăng nhanh cùng các yếu tố văn hoá khi kinh tế hội nhập quốc tế đã khiến người tiêu dùng có nhu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống. Điều này thể hiện rõ nét qua xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ, thậm chí sức mua của tầng lớp trung lưu cao tại Việt Nam còn tiệm cận với các quốc gia láng giềng.

Hàng xa xỉ được hiểu là những sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao, thường được sản xuất với nguyên liệu quý hiếm, chất lượng vượt trội. Chúng thường là những sản phẩm thể hiện phong cách sống cao cấp, đảng cấp, do đó, những người mua các mặt hàng xa xỉ này thường là người có thu nhập cao.

Nhìn chung, mặt hàng xa xỉ không chỉ mang lại giá trị vật chất mà còn thường đi kèm với hình ảnh thương hiệu và cảm giác đặc biệt cho người sử dụng. Tại Việt Nam, xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ ngày càng tăng. Cụ thể:

Bất động sản

Đây là “mặt hàng xa xỉ” được người tiêu dùng Việt săn đón nhất. Tập đoàn Vinhomes cho biết lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán hàng của Vinhomes đạt khoảng 51,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD), tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, những năm gần đây, các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, cộng thêm với các chiến dịch chống tham nhũng trên toàn quốc nên ngành này có phần chậm lại, tuy nhiên, giá nhà và nhu cầu mua bán nhà vẫn tăng cao, chưa có dấu hiệu “chậm lại”.

Bất động sản có thể được xem là “mặt hàng xa xỉ” được người Việt săn đón nhất

Ô tô

Ô tô cũng được xem là một mặt hàng xa xỉ “được lòng” người tiêu dùng.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến cuối năm ngoái, 1.000 người dân thì có đến 63 chiếc ô tô, số liệu này gấp ba lần so với 13 năm trước. Riêng trong quý 3/2024, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ghi nhận doanh số bán xe ô tô đạt 90.701 chiếc, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này đã đánh dấu tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực. Truyền thông Việt Nam đưa tin, Chính phủ kỳ vọng doanh số ô tô hằng năm sẽ đạt 1 triệu xe vào năm 2030.

Theo Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA), tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường ô tô Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đạt 17% – nhanh nhất thế giới.

Điện thoại thông minh

Điện thoại thông minh cũng đang bùng nổ khi, số lượng smartphone đăng ký tại Việt Nam hiện ước tính đạt 85,73 triệu chiếc, tăng 6,9% so với năm trước, gấp đôi so với năm 2020 và cao gấp 23 lần so với năm 2014 (Theo dữ liệu từ Statista).

Lý giải cho xu hướng tiêu dùng đồ xa xỉ này của người Việt, thu nhập bình quân đầu người tăng là yếu tố đầu tiên được nhắc đến.

Theo đó, nhờ chính sách mở cửa kinh tế và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào trong những thập kỷ tiếp theo, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng vọt, vượt mốc 2.000 USD vào năm 2012 và đạt hơn 3.000 USD vào năm 2018. Nếu năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 122 USD – bằng 1/13 so với Thái Lan, 1/7 so với Philippines và 1/6 so với Indonesia. Thì tính đến năm 2024, GDP bình quân đầu người của chúng ta đã vượt Philippines và tiến gần đến mức GDP bình quân đầu người của Indonesia.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao là yếu tố tiếp theo thúc đẩy xu hướng chi tiêu xa xỉ này. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2023, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới tại Việt Nam đạt 77,8%, trong khi con số này ở nữ giới là 68,5%. Cả hai mức này đều cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, lần lượt là 73,6% và 58,6%.

Tỷ lệ sinh giảm cũng là động lực thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn cho hàng xa xỉ khi nó tác động đến thói quen tiêu dùng, khuyến khích nhiều người chi tiêu hơn cho hàng xa xỉ. Được biết, tỷ lệ sinh của Việt Nam đã giảm từ mức 3,6 con/phụ nữ năm 1990 xuống còn 1,9 con/phụ nữ vào năm 2022, thấp thứ tư trong số các nền kinh tế lớn của ASEAN, chỉ cao hơn Singapore (1,0), Thái Lan (1,3) và Malaysia (1,8).

Đặc biệt, trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Mỹ hiện không chỉ tập trung vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất, mà còn nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiêu dùng tiềm năng. Đặc biệt, các công ty Nhật Bản đang tích cực đầu tư vào thị trường, nhắm đến tầng lớp trung lưu đang phát triển tại Việt Nam, tác động nhiều đến thói quen tiêu dùng của người Việt.

Tờ Nikkei Asia nhận định, chưa bao giờ người Việt có nhiều tiền như hiện tại, cũng chưa bao giờ họ có nhiều cơ hội để chi tiêu và thể hiện sự giàu có đến vậy.

https://vneconomy.vn/nguoi-viet-nam-dang-chi-tieu-xa-xi-manh-hon.htm