VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người trẻ Trung Quốc tăng mua thực phẩm sắp hết hạn

Người trẻ Trung Quốc tăng mua thực phẩm sắp hết hạn

16:20 - 22/03/2022

Giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng tiêu thụ thực phẩm sắp hết hạn, hứa hẹn góp phần giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm của quốc gia 1,4 tỷ dân.

Giới trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng tiêu thụ thực phẩm sắp hết hạn. Xu hướng này hứa hẹn có thể góp phần giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm của quốc gia 1,4 tỉ dân.

Gia tăng xu hướng mua sắm thực phẩm sắp hết hạn tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, thực phẩm sắp hết hạn vẫn có thể sử dụng bình thường nhưng được bán với giá rất ưu đãi. Điều này thu hút sự chú ý của những người tiêu dùng trẻ tuổi mong muốn tiết kiệm.

“Những món đồ ăn vặt nhập khẩu có giá quá đắt đỏ, do đó mọi người muốn mua đồ sắp hết hạn vì giá bán rẻ hơn nhiều.” Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn chia sẻ của một tài khoản mạng xã hội Weibo.

Giới chuyên gia nhận định công cuộc đổi mới đã giúp thị trường này phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ có sẵn trong chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, việc kinh doanh mặt hàng sắp hết hạn tại Trung Quốc đang ngày càng bùng nổ trên các nền tảng trực tuyến. Điều này thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp độc quyền chỉ bán các mặt hàng sắp hết hạn.

Năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng gia tăng các công ty kinh doanh thực phẩm sắp hết hạn. Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tăng mạnh từ 12 năm 2020 lên 68 vào năm 2021. Các cửa hàng độc quyền bán thực phẩm sắp hết hạn được biết đến nhiều nhất là HotMaxx, HitGoo và Hema Fresh. Nhìn chung giá các sản phẩm sắp hết hạn thấp hơn đáng kể so với giá thị trường trung bình.

Trong đại dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến, chiếm hơn 30% doanh số bán hàng ở nước này. Đây là điều kiện thích hợp để các loại thực phẩm sắp hết hạn xâm nhập vào thị trường. Trên Taobao, trang thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, nhiều người kinh doanh khoai tây chiên giòn, mì gói, bánh kẹo và socola gần hết hạn sử dụng với giá chưa bằng một nửa chi phí bán lẻ tiêu chuẩn.

Ông Peng Peng – Sàn giao dịch trực tuyến Taobao, Trung Quốc cho hay: “Mỗi năm có khoảng 2 triệu người tìm kiếm những sản phẩm gần hết hạn trên Taobao với hơn 10.000 nhà bán lẻ chuyên cung cấp về thực phẩm dạng này”.

Theo một báo cáo của iiMedia Research Consulting công bố tuần trước, ngành công nghiệp thực phẩm sắp hết hạn dự kiến tăng quy mô thị trường từ 31,8 tỷ nhân dân tệ (5 tỷ USD) vào năm 2021 lên 40,1 tỷ nhân dân tệ (hơn 6,3 tỷ USD) vào năm 2025. Xu hướng này có thể đóng vai trò quan trọng góp phần giải quyết vấn đề lãng phí lương thực tại Trung Quốc.

Theo báo cáo năm 2015 của Học viện Khoa học Trung Quốc, hơn 35 triệu tấn thực phẩm, tương đương 6% tổng lượng thực phẩm của Trung Quốc, bị thất thoát hoặc lãng phí hàng năm.

Tháng 4/2021, Trung Quốc thông qua luật cấm sản xuất những chương trình ăn uống trực tiếp trên các nền tảng xã hội. Các blogger hoặc các nhà sản xuất có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt rất nặng nếu xuất bản những video chứa nội dung này. Luật mới cũng thúc đẩy người dân có ý thức hơn về môi trường và xã hội. Vì vậy, các blogger ẩm thực chuyển sang chia sẻ tình yêu của họ đối với thực phẩm sắp hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, không ít người trẻ tuổi bị thu hút bởi việc mua hàng sắp hết hạn không phải vì quan tâm đến môi trường mà bởi giá rẻ. Những người có thu nhập trung bình cũng là nhóm tiêu dùng phổ biến nhất các sản phẩm sắp hết hạn. Các mặt hàng thường được mua là đồ ăn vặt, bánh mỳ, bánh ngọt và những sản phẩm từ sữa.

Hơn 50% người sử dụng thực phẩm sắp hết hạn ở Trung Quốc mua lại sản phẩm mỗi tháng, trong khi gần 80% sẵn sàng giới thiệu sản phẩm cho người khác, báo cáo từ iiMedia cho biết thêm.

Tuy nhiên, một số người lại coi thường lựa chọn tiêu dùng này, cho rằng hàng hóa sắp hết hạn chỉ dành cho các khách hàng có thu nhập từ rất thấp đến không có thu nhập. Ngoài ra, 67,8% người tiêu dùng Trung Quốc lo ngại nhất về vấn đề an toàn thực phẩm. Trong khi đó, có đến 50% quan tâm đến việc thông tin ghi trên nhãn có chính xác hay không.