VNReport»Kinh tế»Tài chính»Người trẻ Việt Nam chi nhiều tiền hơn cho các trải nghiệm

Người trẻ Việt Nam chi nhiều tiền hơn cho các trải nghiệm

16:50 - 09/12/2024

Khảo sát mới nhất của UOB và BCG cho thấy, 42% trong số 1000 người Việt Nam tham gia khảo sát chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm so với năm ngoái, trong đó gen Z là nhóm gia tăng mạnh nhất. Điều này dấy lên lo ngại về quản lý tài chính cá nhân của người trẻ.

Mới đây, Ngân hàng UOB phối hợp cùng công ty tư vấn BCG thực hiện khảo sát trực tuyến với 5.000 người tiêu dùng thuộc các nhóm nhân khẩu học khác nhau tại 5 thị trường Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, kết quả cho thấy người Việt Nam đang lạc quan nhất khu vực, khi hơn 70% người tham gia khảo sát bày tỏ tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước trong 6-12 tháng tới. Mặc dù tỷ lệ này giảm 7% so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 54% của toàn khu vực.

Nghiên cứu cho thấy, 42% người Việt Nam tham gia khảo sát biết họ đã chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm như đi du lịch, du thuyền, ăn uống sang trọng, tham dự concert, sự kiện giải trí, hay dịch vụ spa, massage…, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%.

Gen Z tại Việt Nam, hiện đang chiếm 15% dân số lại đóng góp đến 40% chi tiêu bên ngoài gia đình (bao gồm ăn uống tại hàng quán, du lịch, giải trí…).

Đáng chú ý, mặc dù chi nhiều hơn cho các trải nghiệm nhưng có đến 77% người Việt Nam bày tỏ lo lắng về các vấn đề liên quan đến tài chính, trong đó Gen Z thể hiện mức độ lo lắng cao nhất với 87%.

Thực tế, hiện nay, song song với xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm của bản thân, người trẻ Việt Nam rất quan tâm đến quản lý tiền. Học cách quản lý tiền bạc là nền tảng cho chất lượng cuộc sống cao, nhất là với những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại có nhu cầu chi tiêu lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.

Vậy, làm thế nào để người trẻ quản lý tài chính cá nhân hiệu quả?

Học tính tự chủ

Đây là kỹ năng vô cùng cần thiết, nhưng không phải ai cũng có kỹ năng tự chủ về tiền bạc. Hãy rèn luyện kỹ năng này từ khi còn trẻ, hiểu được lúc nào thực sự cần chi tiền.

Cố gắng rèn luyện kỹ năng tự chủ

Ngày nay, thẻ tín dụng phổ biến với người trẻ, tạo ra thói quen mua hàng trước, trả tiền sau. Tuy nhiên, nếu bạn có thói quen đặt tất cả các khoản mua sắm của mình vào thẻ tín dụng mặc dù không thể thanh toán đầy đủ hóa đơn của mình vào cuối tháng, thì bạn sẽ phải thanh toán cho những khoản đó trong 10 năm nữa.

Do đó, trừ những trường hợp khẩn cấp hiếm gặp, hãy đảm bảo luôn thanh toán đầy đủ số dư của bạn khi hóa đơn đến. Hơn nữa, đừng mang theo nhiều thẻ hơn mức bạn có thể theo dõi.

Đây là một mẹo tài chính quan trọng để tạo ra một lịch sử tín dụng lành mạnh.

Biết tiền của mình chi cho những khoản nào

Cách tốt nhất để kiểm soát tài chính là đảm bảo chi tiêu không vượt quá thu nhập.

Hãy lập ngân sách, liệt kê các mục và số tiền cần chi cho các mục đó. Đảm bảo ngân sách đã bảo gồm cả khoản tiết kiệm.

Phân biệt được đâu là khoản bắt buộc phải có, ví dụ như học phí, tiền nhà, tiền điện, tiền nước,… và những sở thích cá nhân. Ngoài ra, việc giữ cho chi phí định kỳ hàng tháng thấp nhất có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể tiền bạc theo thời gian.

Bắt đầu lập quỹ khẩn cấp

Giống như cái tên của nó, đây là quỹ để sử dụng cho những tình huống khẩn cấp.

Cho dù bạn nợ các khoản vay sinh viên hay nợ thẻ tín dụng bao nhiêu và bất kể mức lương thấp đến mức nào, bạn nên tìm một số tiền – bất kỳ con số nào – trong ngân sách của bạn để gửi vào quỹ khẩn cấp hàng tháng.

Khi có quỹ này, bạn sẽ không gặp bế tắc về tài chính. Cùng với khoản tiết kiệm, quỹ này sẽ giúp bạn đảm bảo tài chính trong tương lai.

Học cách đầu tư

Tìm hiểu về thị trường tài chính và các hình thức đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, hay bất động sản. Tập tành đầu tư để có thêm thu nhập, tuy nhiên cũng phải chuẩn bị tâm lý chịu rủi ro trước những diễn biến phức tạp của thị trường.

Nhìn chung, việc ưu tiên trải nghiệm có thể mang lại niềm vui và sự phong phú cho cuộc sống, nhưng nếu không kiểm soát chi tiêu và lập kế hoạch tài chính hợp lý, nhiều người có thể đối mặt với những rủi ro về nợ nần và áp lực tài chính trong tương lai. Để tránh những hệ lụy tiêu cực, hãy phát triển thói quen quản lý tài chính thông minh, lập ngân sách, tiết kiệm và đầu tư một cách có trách nhiệm để đảm bảo an toàn tài chính trong tương lai.

https://znews.vn/uob-nguoi-tre-viet-nam-ngay-cang-chi-nhieu-tien-cho-concert-ca-nhac-post1510412.html