VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người Việt ăn thịt heo nhiều thứ tư thế giới

Người Việt ăn thịt heo nhiều thứ tư thế giới

11:41 - 11/04/2025

Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn thứ tư trên thế giới với ước tính tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người của người Việt Nam năm 2024 xấp xỉ 37kg thịt/người/năm.

Nguồn tin của Báo Tuổi Trẻ Online cho biết, trong báo cáo tại hội nghị về cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã nêu rõ sự phát triển của ngành này.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 khoảng 30 kg/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg/người/năm, năm 2023 khoảng 33,8 kg/người/năm. Đặc biệt, năm 2024 ước đạt 37,04 kg/người/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt lợn.

Trong giai đoạn 2020 – 2024, đàn heo chiếm từ 60% đến 64% trong tổng số đàn vật nuôi, cao hơn khoảng 20% so với trung bình thế giới. Ngành chăn nuôi heo đã chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình nhỏ lẻ tại hộ gia đình sang chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại. Hiện tại, sản lượng heo từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ chiếm 30%, trong khi các hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm tới 70%.

Đáng chú ý, trong năm 2024, giá heo hơi xuất chuồng cao nhất đạt 67.700 đồng/kg. Tuy nhiên, vào quý 1-2025, giá có sự biến động do nhu cầu thịt heo tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, khiến giá trung bình trong tháng 3 tăng lên 76.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm vượt 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này chỉ duy trì trong thời gian ngắn và đến cuối tháng 3-2025, giá đã giảm xuống còn 66.000 – 76.000 đồng/kg, với giá trung bình cả nước đạt 69.000 đồng/kg.

Tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây

Trước tình hình này, Cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, sự tăng giá thịt heo gần đây là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm dịch bệnh tả heo châu Phi và yêu cầu từ Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1-1-2025, dẫn đến nhiều trang trại phải ngừng hoạt động và giảm quy mô chăn nuôi.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo rằng từ năm 2025 đến 2026, ngành chăn nuôi heo sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Những vấn đề như sản lượng không ổn định ở các quốc gia, giá thức ăn biến động khó lường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng xu hướng người tiêu dùng chuyển sang các loại thịt khác có lợi cho sức khỏe sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành này.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, nếu Việt Nam áp dụng công nghệ mới và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, ngành chăn nuôi lợn vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Việc đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa để tối ưu hóa hoạt động chăn nuôi heo trong tương lai. Hiện nay, công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam nằm trong nhóm hàng đầu thế giới.

Trong thời gian tới, giá lợn hơi ở Việt Nam dự báo sẽ giữ ở mức cao, nhưng có thể khó tăng đột biến nếu công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả. Mức giá hiện tại cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn và gia tăng sản lượng thịt lợn.

Bên cạnh đó, thị trường có thể được điều tiết thông qua lượng thịt lợn nhập khẩu, chủ yếu từ các nước như Nga, Brazil, Đức, Hà Lan và Ba Lan.

Theo số liệu thống kê nhanh, tính đến ngày 25/3/2025, Việt Nam đã nhập khẩu 32.900 tấn thịt và 30.500 tấn phụ phẩm từ lợn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2024. Hiện Nga là đối tác cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 22% tổng lượng nhập khẩu.

https://tuoitre.vn/nguoi-viet-an-thit-heo-nhieu-thu-tu-the-gioi-20250403093603835.htm