VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người Việt dựa nhiều hơn vào thu nhập phụ, bi quan về kinh tế

Người Việt dựa nhiều hơn vào thu nhập phụ, bi quan về kinh tế

10:59 - 08/02/2023

Hoạt động sản xuất chậm lại khiến tỷ lệ người lao động dựa vào thu nhập phụ tăng lên, cùng với đó là lo ngại về tình hình kinh tế và lạm phát, theo khảo sát của Infocus Mekong Research.

Người Việt Nam đang tìm đến những công việc phụ nhiều hơn khi hoạt động của các nhà máy chậm lại và lạm phát tăng vọt trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, theo một khảo sát mới phản ánh lo sợ về nền kinh tế toàn cầu.

Theo kết quả khảo sát do Infocus Mekong Research công bố hôm thứ Hai, tỷ lệ người lao động dựa vào các nguồn thu nhập phụ tăng lên 34% trong tháng 1, so với 20% trong tháng 7/2022. Trong cuộc thăm dò 2 lần mỗi năm này, 27% người tiêu dùng dự đoán kinh tế năm tới sẽ tệ hơn năm ngoái, tăng từ 18% trong tháng 7. Infocus cho biết tâm lý bi quan báo hiệu “sự không chắc chắn trên thị trường, được thúc đẩy bởi bong bóng bất động sản vỡ, lạm phát cao” và tác động đến thu nhập.

Người Việt vẫn chi tiêu mua đồ ăn uống nhưng giảm mua những mặt hàng lớn vì lo ngại về nền kinh tế, Infocus Mekong Research cho biết.

Người Việt vẫn chi tiêu mua đồ ăn uống nhưng giảm mua những mặt hàng lớn vì lo ngại về nền kinh tế, Infocus Mekong Research cho biết.

Nhà nghiên cứu thị trường cho biết những nguồn thu nhập phụ hàng đầu của người lao động bao gồm bán hàng qua các trang thương mại điện tử, giao dịch cổ phiếu và cho thuê bất động sản.

Người lao động dựa nhiều hơn vào thu nhập phụ khi công việc ít đi do các đơn đặt hàng xuất khẩu chậm lại, đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 14,6% từ tháng 12 đến tháng 1 và lực lượng lao động công nghiệp giảm 0,9%, theo Tổng cục Thống kê.

Mặc dù công việc ít hơn, nhưng hóa đơn chi tiêu của người Việt Nam lại cao hơn. Lạm phát nằm ở cuối danh sách các mối quan tâm của người dân vào năm 2021, nhưng đã tăng lên vị trí hàng đầu vào tháng 1, với 60% người dân trong nghiên cứu của Infocus cho biết họ lo lắng về giá cả hơn là ô nhiễm hoặc thất nghiệp. Tháng trước, lạm phát cơ bản theo năm là 5%, theo Tổng cục Thống kê, và Fitch Solutions cho biết giá thực phẩm và chi phí nhà ở tăng đang ăn vào chi tiêu bán lẻ.

Trong khi đó, người dân gặp khó khăn trong việc vay tiền, mua nhà hoặc kiếm lợi từ tăng giá bất động sản do thắt chặt quy định đối với các công ty bất động sản và ngân hàng, khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng.

Infocus cho biết “do các hạn chế của chính phủ”, tỷ lệ người trả lời khảo sát vay tiền giảm từ 54% vào năm 2019 xuống còn 38% vào tháng 1, với một nửa số tiền được sử dụng để “sống sót trước mắt và trả nợ.”

Tiết kiệm đang tăng lên, chiếm tỷ lệ 30% nguồn tiền sử dụng tùy ý của người trả lời trong cuộc thăm dò vào tháng 1, cao nhất kể từ ít nhất là năm 2021, công ty cho biết. Trong thời kỳ bùng nổ, tiết kiệm nhiều đồng nghĩa với việc người dân rủng rỉnh tiền mặt. Trong thời điểm khó khăn, điều đó có thể cho thấy họ muốn chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro phía trước.