VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nguồn cung có hạn – yếu tố đằng sau việc bitcoin tăng giá

Nguồn cung có hạn – yếu tố đằng sau việc bitcoin tăng giá

16:19 - 11/12/2024

Những người ủng hộ bitcoin cho rằng sự khan hiếm của nó – với nguồn cung bị áp trần cứng 21 triệu – sẽ thúc đẩy giá tăng.

Các nhà đầu tư bitcoin ăn mừng vào tuần trước sau khi giá của loại tiền mã hóa lớn nhất thế giới lần đầu tiên đạt 100.000 USD. Những người tin vào bitcoin cho rằng đà tăng giá sẽ tiếp tục vì một đặc điểm kỹ thuật quan trọng: số lượng bitcoin có thể tạo ra được chỉ có hạn.

Mã máy tính của bitcoin áp đặt trần cứng là 21 triệu đồng. Cho đến nay, khoảng 19,8 triệu bitcoin đã được tạo ra và sẽ mất hơn một thế kỷ để tạo ra phần còn lại – một quá trình sẽ ngày càng khó hơn theo thời gian.

Nhóm người ủng hộ bitcoin cho rằng sự khan hiếm của nó sẽ thúc đẩy giá tăng khi người mua tranh mua những đồng mới cuối cùng hoặc mua những đồng hiện có từ những người may mắn sở hữu bitcoin.

Nhóm người hoài nghi phản bác rằng bitcoin không có giá trị nội tại và một làn sóng bán tháo có thể xóa sổ mức tăng gần đây. Trong lịch sử, bitcoin đã biến động rất lớn với các đợt tăng giá mạnh mẽ theo sau là sụp đổ. Năm 2022, nó từng giảm gần 80% từ mức đỉnh năm 2021 sau vụ sụp đổ sàn giao dịch tiền mã hóa FTX.

Dù giá trị thực sự của nó là bao nhiêu, bitcoin là một thí nghiệm công nghệ hoàn toàn khác biệt với những thứ mà thế giới từng chứng kiến: một loại tiền tệ dựa trên internet do những người đam mê công nghệ tạo ra mà không có sự chống lưng của chính phủ hay ngân hàng trung ương nào.

Các loại tiền tệ truyền thống phải chịu lạm phát vì chính phủ có thể in thêm tiền. Các nhà kinh tế cho rằng đây là điều tốt vì mối đe dọa lạm phát thúc đẩy người ta chi tiêu và đầu tư, thay vì tích trữ tiền mặt. Nhưng lạm phát luôn khiến những người tiết kiệm và tích lũy khó chịu vì họ coi nó là một loại thuế ngầm.

Nhà phát minh bitcoin – bí danh Satoshi Nakamoto – lập ra trần cứng như một cách để tránh lạm phát. “Thoát khỏi rủi ro lạm phát tùy ý của các loại tiền tệ được quản lý tập trung! Tổng lượng lưu hành của bitcoin bị giới hạn ở 21 triệu đồng”, Nakamoto viết trong một bài đăng năm 2010 trên một diễn đàn về bitcoin.

Để tạo bitcoin mới, thợ đào sử dụng máy tính để giải các bài toán phức tạp và được thưởng bằng bitcoin. Quy mô phần thưởng bị cắt giảm một nửa sau mỗi 4 năm, cuối cùng sẽ giảm xuống còn không. Ở thời điểm đó – dự kiến ​​ xảy ra vào khoảng năm 2140 – nguồn cung bitcoin sẽ đạt 21 triệu và ngừng tăng.

Đơn vị: triệu đồng. Biểu đồ: The Wall Street Journal.

Đơn vị: triệu đồng. Biểu đồ: The Wall Street Journal.

Về mặt lý thuyết, có thể nâng trần bằng cách thay đổi mã máy tính của bitcoin. Nhưng vì bitcoin là một phần mềm phân tán chạy trên internet nên việc thay đổi như vậy rất khó khăn. Nó cần có sự đồng thuận giữa các thợ đào, nhà phát triển và những người khác giúp bitcoin hoạt động.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng điều đó không có khả năng xảy ra, chủ yếu vì việc nâng trần cung có thể làm giảm giá bitcoin. Điều này sẽ gây tổn hại đến chính những người mà cần có sự chấp thuận của họ để nâng trần.

Nakamato đề xuất bitcoin vào năm 2008 và tạo ra bitcoin đầu tiên vào tháng 1/2009. Trong những năm kể từ đó, nhiều diễn biến đã khiến bitcoin trở thành một mặt hàng thậm chí còn khan hiếm hơn so với dự định ban đầu.

Đầu tiên, hơn 1,5 triệu bitcoin trị giá khoảng 150 tỷ USD đã bị mất, theo ước tính của River, một công ty môi giới bitcoin. Bitcoin có thể bị mất khi chủ sở hữu nó làm mất khóa ký tự cần thiết để truy cập vào tài sản của họ. Điều này thường xảy ra trong những năm đầu của bitcoin, khi nó có giá trị rất nhỏ. Ví dụ, một người ở xứ Wales đã đấu tranh pháp lý nhiều năm để được phép đào một bãi rác nhằm lấy lại một ổ cứng chứa lượng bitcoin trị giá 800 triệu USD.

Tương tự như vậy, gần một triệu bitcoin đã được Nakamoto đào và nằm im kể từ năm 2009, theo River. Nakamoto biến mất vào năm 2011. Nếu nhà phát minh bitcoin đã chết, như giả thuyết của một số nhà nghiên cứu, thì khoảng 12% trong nguồn cung tối đa 21 triệu bitcoin bị mất hoặc bị kẹt trong các “ví Satoshi” không thể truy cập được.

River ước tính rằng khoảng 14,7 triệu bitcoin – khoảng 70% nguồn cung tối đa – được nắm giữ bởi các nhà đầu tư cá nhân. Đây thường là những người sở hữu lớn đã nắm giữ nhiều năm. Giới đầu tư tiền mã hóa rất chú ý đến các động thái của những “cá voi” này, vì lo ngại rằng một lệnh bán lớn có thể kéo giảm thị trường.

Trong những năm gần đây, các tổ chức lớn đã tăng cường tích lũy bitcoin, ví dụ như các công ty đại chúng MicroStrategy và Tesla; các công ty tài chính, quỹ tài chính và các chính phủ. Chính phủ nắm nhiều bitcoin nhất hiện nay là Mỹ, với số tiền mã hóa tịch thu từ các tội phạm, theo trang BitcoinTreasuries.net.

Sự xuất hiện những kho dự trữ như vậy là điều tốt cho giá bitcoin vì nguồn cung sẽ bị khóa chặt hơn. Các nhà đầu tư hy vọng rằng chính phủ Mỹ nắm nhiều bitcoin hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đã cam kết sẽ tạo một kho dự trữ bitcoin quốc gia chiến lược. “Trong thời gian quá dài, chính phủ của chúng ta đã vi phạm quy tắc cơ bản mà mọi người chơi bitcoin đều thuộc lòng: Không bao giờ bán bitcoin của bạn”, ông Trump nói hồi tháng 7.

Theo: https://www.wsj.com/finance/currencies/bitcoin-supply-limit-crypto-value-29e068b4?mod=lead_feature_below_a_pos3