VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nguy cơ với các nền kinh tế mới nổi

Nguy cơ với các nền kinh tế mới nổi

21:42 - 29/11/2022

Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), tỷ lệ nợ của các thị trường mới nổi đang tăng lên mức cao kỷ lục.

Giá năng lượng và thực phẩm leo thang trên phạm vi toàn cầu tiếp tục đẩy cao lãi suất và chi phí huy động vốn, các chính phủ cũng tăng cường chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế. Báo cáo “Giám sát nợ toàn cầu” do IIF công bố mới đây cho thấy, mặc dù tổng nợ của các thị trường mới nổi giảm từ mức 98.700 tỷ USD của quý trước đó xuống 96.200 tỷ USD trong quý III song thâm hụt ngân sách gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến cho tỷ lệ nợ/GDP của các nền kinh tế đang phát triển tăng lên 254%, tương đương với mức cao kỷ lục trong quý I/2021.

Các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ

Theo Giám đốc bộ phận nghiên cứu phát triển bền vững của IIF Emre Tiftik, chi phí lãi vay của các tổ chức có chủ quyền trên toàn cầu sẽ gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi và các thị trường mới nổi châu Âu.

Các nhà hoạch định chính sách cảnh báo, áp lực nợ mà các nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn thương sẽ còn kéo dài rất lâu và khả năng xảy ra vỡ nợ nhiều hơn. Theo IIF, chi phí trả nợ tăng lên có thể gây tổn hại đặc biệt cho các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Mặc dù sự phụ thuộc vào nợ bằng USD trong những năm qua đã giảm bớt, nhưng mức độ phụ thuộc của Mỹ Latinh và châu Phi vẫn rất cao, khiến cho rất nhiều nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự biến động trên thị trường ngoại hối.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2022, Chủ tịch Malpass của WB cũng từng cảnh báo: Thế giới đang đối mặt với “làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ”, nhiều quốc gia đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao.

Ngoài các quỹ đầu tư quốc gia, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và hộ gia đình thu nhập thấp cũng là đối tượng chịu tác động nặng nề từ việc chi phí cho vay gia tăng. IIF cho rằng do các hộ gia đình thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc cao vào nguồn vốn ngắn hạn, nên sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi chi phí vay tăng lên.

Trên thực tế, đồng USD trong quý III đã tăng mạnh nhất ở mức 20%, và tính cả năm mức tăng là 12%. Tỷ giá hối đoái của các đồng tiền thị trường mới nổi có lúc giảm 10% so với đồng USD trong năm nay và hiện giữ ở mức 7%.

Do những yếu tố như áp lực dai dẳng từ cuộc xung đột tại Ukraine, đại dịch Covid-19 kéo dài và việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ngày 29/11, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của các nền kinh tế mới nổi.

Theo đó, S&P Global dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội thực của các nền kinh tế mới nổi ở mức 3,8% trong năm 2023, giảm so với mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó. Mức hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của S&P Global đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc và Saudi Arabia.

S&P Global đánh giá lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi đều đã qua đỉnh hoặc chuẩn bị đến mức đỉnh khi lạm phát giá thực phẩm và nhiên liệu đang chậm lại. Do mức lạm phát ở các nền kinh tế này vẫn cao hơn mức mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đề ra, các ngân hàng vẫn phải duy trì những chính sách tiền tệ chặt chẽ. Dù vậy, S&P Global không loại trừ khả năng một số nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, sẽ cân nhắc nới lỏng chính sách vào giữa năm 2023 trong bối cảnh lạm phát bắt đầu chậm lại trong khi triển vọng tăng trưởng yếu đi.