VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nguy cơ “nợ ngập đầu” của người trẻ

Nguy cơ “nợ ngập đầu” của người trẻ

16:11 - 18/12/2024

Cuộc sống hiện đại với những dịch vụ và tiện nghi đa dạng, kéo theo mức sống cao hơn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những cám dỗ khó cưỡng, đặc biệt tình trạng dùng thẻ tín dụng bừa bãi, vay nóng từ các app cho vay trực tuyến,… trở nên phổ biến, nhất là với người trẻ. Tình trạng này đẩy nhiều người trẻ vào vòng xoáy nợ nần.

Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT vừa công bố kết quả khảo sát về phân bổ chi tiêu trong các gia đình trung lưu của 300 khách hàng. Theo đó, tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của người trên 35 tuổi cao hơn 10-15% so với người trẻ dưới 35. Bên cạnh đó, khả năng đón nhận và thích ứng với công nghệ và xu hướng mới tốt hơn cũng giải thích cho việc có đến 89% người trẻ tại các thành phố lớn sở hữu thẻ tín dụng, so với 40% của những người trên 30 tuổi.

Thực tế, đa số người trẻ ngày nay cởi mở hơn với thói quen chi tiêu và trải nghiệm cuộc sống. Hình thức mua trước trả sau bằng thẻ tín dụng khiến một bộ phận lớn người trẻ đang chìm trong nợ nần. Thậm chí có những người sở hữu cho mình 3-4 thẻ tín dụng, không kiểm soát được các khoản chi tiêu, quẹt thẻ này để trả thẻ kia, rơi vào vòng luẩn quẩn thu nhập không đủ trả nợ các thẻ tín dụng.

Lý giải về tình trạng này, các chuyên gia tài chính cho rằng, ở độ tuổi 20 – 30, nhiều người không biết cách quản lý tài chính, không có kỷ luật tài chính, không có kỹ năng quản lý nợ, đồng thời thiếu kiến thức tài chính nên dễ dẫn tới nợ ngập đầu ngay khi đang còn trẻ. Chi tiêu thẻ tín dụng không kiểm soát sẽ mở ra cơn ác mộng trong tương lai.

Tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của người trên 35 tuổi cao hơn 10-15% so với người trẻ dưới 35

Để tránh rơi vào tình trạng “vung tay quá trán” dẫn tới cảnh nợ nần này, người trẻ nên có ý thức lập kế hoạch quản lý tài chính từ sớm. Dưới đây là 4 lưu ý cho người trẻ khi lập kế hoạch tài chính cá nhân:

Lập ngân sách

Đây là quá trình lên kế hoạch chi tiêu cho một khoảng thời gian nhất định, thường là một tháng hoặc một năm. Hãy liệt kê các khoản cần phải chi, sau đó phân chia thu nhập tương xứng cho các khoản này. Xác định các mục tiêu tài chính quan trọng như mua nhà, mua xe,… Từ đó bạn sẽ kiểm soát được chi tiêu, biết mình cần chi tiêu cho mục đích gì và chi tiêu bao nhiêu.

Với những ai đang trong trạng thái nợ nần, hãy cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết và ưu tiên trả nợ trước.

Lưu ý rằng, mục tiêu cuối cùng của việc lập ngân sách là giúp bạn kiểm soát tài chính cá nhân một cách hiệu quả, tránh tình trạng tiêu xài quá mức và đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra.

Lập quỹ dự phòng

Hãy trích trong phần thu nhập của mình 1 khoản để tiết kiệm hoặc xây dựng quỹ dự phòng.

Quỹ dự phòng này sẽ để dùng vào những tình huống bất ngờ như ốm đau…, hoặc chỉ đơn giản là để tiết kiệm. Đồng thời, nó cũng là nền tảng để bạn thực hiện những mục tiêu tài chính dài hạn khác. Hơn nữa, nếu có một khoản tiền dự phòng, bạn sẽ không còn phải lo lắng về những rủi ro tài chính và có thể tập trung vào việc phát triển bản thân và sự nghiệp.

Linh động điều chỉnh kế hoạch quản lý tài chính

Chẳng có gì đảm bảo tất cả sẽ diễn ra đúng như kế hoạch tài chính mà bạn đã lập. Do đó, linh hoạt trong quản lý tài chính là vô cùng cần thiết.

Thay vì cứng nhắc tuân theo một kế hoạch đã lập sẵn, cần thường xuyên đánh giá lại tình hình tài chính của mình và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Nhiều người thiếu sự linh hoạt này, nên không có trải nghiệm tốt đẹp khi thực hiện theo kế hoạch tài chính. Sự linh hoạt sẽ giúp bạn thích nghi với những thay đổi của cuộc sống, tránh được những rủi ro không mong muốn và đạt được các mục tiêu tài chính một cách hiệu quả hơn

Học hỏi kiến thức về tài chính

Trong thời đại nhiều cám dỗ tài chính như hiện nay, người trẻ nên trang bị cho mình kiến thức về tài chính để không rơi vào các bẫy tài chính, đảm bảo tài chính cho tương lai. Hơn nữa, dù bạn không sử dụng các kiến thức học được để đầu tư, thì ít nhất cũng có thể vận dụng chúng để tránh mắc phải những sai lầm phổ biến.

Có thể đọc sách về quản lý tài chính cá nhân hoặc tham gia các khoá học, hội thảo về tài chính để nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó cũng có thể theo dõi các chuyên gia tài chính trên mạng xã hội, các kênh thông tin uy tín. Nhìn chung, trong thời đại số, việc học hỏi, tìm hiểu về tài chính không khó.

https://baodautu.vn/nguy-co-no-ngap-dau-cua-nguoi-tre-d215897.html