VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Nhà đầu tư Anh quan tâm đến thị trường Việt Nam

Nhà đầu tư Anh quan tâm đến thị trường Việt Nam

12:09 - 19/08/2022

Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, bao gồm cả với Anh, thu hút nhiều doanh nghiệp Anh xem xét đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư Anh đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam sau khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh và các nền kinh tế khác trên thế giới.

Hiệp định Thương mại Tự do Anh – Việt (UKVFTA), chính thức có hiệu lực vào tháng 5/2021, là một trong những thỏa thuận thương mại đầu tiên mà Anh ký kết sau khi nước này rời Liên minh Châu Âu (EU) vào cuối năm 2020. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách thương mại của Anh. Năm ngoái, thương mại và đầu tư song phương giữa 2 nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 17%.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/10/2021, Anh có 439 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD tại Việt Nam.

Nhiều công ty lớn của Anh như Unilever đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam.

Nhiều công ty lớn của Anh như Unilever đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam.

Nhiều công ty lớn trong nhiều ngành khác nhau như AstraZeneca, HSBC, Standard Chartered, Unilever … kinh doanh tại Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một số lĩnh vực của nền kinh tế từ tài chính, y tế đến mỹ phẩm.

Hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh cũng bày tỏ quan tâm đến Việt Nam.

“Chúng tôi nhận thấy có sự quan tâm tăng vọt [từ các doanh nghiệp Anh] từ tháng 3 trở đi, cùng với việc Việt Nam mở cửa biên giới, giúp các nhà đầu tư đến đất nước dễ dàng hơn nhiều”, theo Maria Kotova – giám đốc phát triển và cố vấn cấp cao của Dezan Shira & Associates.

Bà cho biết có một số lý do khiến Việt Nam thu hút các nhà đầu tư Anh.

Đầu tiên, Việt Nam là quốc gia thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng với dân số gần 100 triệu người và GDP được ghi nhận vào năm ngoái vào khoảng 360 tỷ USD. Tiếp theo là lực lượng lao động rẻ với kỹ năng đang được cải thiện. Ngoài ra, ưu đãi thuế cũng là yếu tố hấp dẫn, ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp 10% nếu một công ty đầu tư vào công nghệ trong 15 năm, so với mức 20% thông thường.

Theo số liệu của Ủy ban Tiền lương và Năng suất Quốc gia (Philippines), tuy không phải là thấp nhất ở Đông Nam Á, nhưng mức lương trung bình hàng tháng của Việt Nam bằng khoảng 2/3 so với các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia, và bằng khoảng một nửa so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, yếu tố đáng chú ý nhất là khả năng tiếp cận thương mại rộng rãi và dễ dàng với toàn bộ khu vực nhờ các hiệp định FTA trên diện rộng mà Việt Nam đã ký, cho phép giao thương hàng hóa với nhiều nước ở mức lãi suất thấp, bà Kotova cho biết, bổ sung rằng nhiều công ty Anh đang sản xuất hoặc mở cở sở sản xuất ở Việt Nam.