VNReport»Kinh tế»Tài chính»Hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới năm 2021

Hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới năm 2021

18:17 - 09/01/2022

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 1,5 triệu tài khoản cá nhân trong nước mở mới năm ngoái, cao gấp rưỡi so với 4 năm trước đó cộng lại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 226.580 tài khoản chứng khoán trong tháng 12/2021. Trong đó, cá nhân mở mới 226.390 tài khoản và tổ chức mở mới 190 tài khoản.

Tháng vừa qua ghi nhận số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới cao nhất trong lịch sử, hơn 6.000 tài khoản so với tháng kỷ lục trước đó. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp có số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới trên 100.000 và là tháng thứ 2 liên tiếp có trên 200.000 tài khoản được mở mới.

Như vậy, cả năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong giai đoạn 4 năm trước đó cộng lại (1,04 triệu tài khoản). Tính đến cuối năm 2021, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước hiện là hơn 4,3 triệu, tương đương khoảng 4,4% dân số. Dù tăng đột biến trong năm ngoái, đây vẫn là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực châu Á.

Nhà đầu tư nước ngoài mở 306 tài khoản mới trong tháng 12/2021, giảm 191 tài khoản so với tháng trước. Năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã mở 4.439 tài khoản chứng khoán mới tại Việt Nam.

Làn sóng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường tăng mạnh khi các hoạt động kinh doanh khác bị đình trệ. Với tính thanh khoản cao, chứng khoán nhanh chóng thu hút dòng tiền và trở thành kênh đầu tư hiệu quả hàng đầu cho tiền tiết kiệm nhàn rỗi.

Việc nhà đầu tư đổ xô tham gia thị trường đẩy quy mô ngành chứng khoán trong nước phát triển nhanh chóng. Năm ngoái, chỉ số VN-Index tăng 36%, lọt vào top 7 thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới và kết thúc năm gần mức 1.500 điểm. Thanh khoản thị trường cũng cao đột biến với giá trị giao dịch bình quân đạt gần 26.600 tỷ đồng/phiên, gấp 3,6 lần so với năm trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp 4 lần lên gần 24.500 tỷ đồng/phiên.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường cuối năm đạt 7,77 triệu tỷ đồng (338 tỷ USD) và chiếm 99% GDP. Đây là mức tăng khoảng 2,47 triệu tỷ đồng (107 tỷ USD hay 47%) so với cuối năm 2020. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, mục tiêu quy mô thị trường chứng khoán đến cuối năm 2025 đạt tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP vào năm 2030.

Nhiều chuyên gia chứng khoán dự báo, thị trường vẫn sẽ thu hút nhà đầu tư mới vào năm 2022, nhưng mức độ sẵn sàng tham gia giảm dần, không còn bùng nổ mà ổn định ở một mức nhất định, nhất là khi chính sách tiền tệ đã nới lỏng khá nhiều và nền kinh tế phục hồi rõ rệt.

Theo Giám đốc Mirae Asset Huỳnh Minh Tuấn, dòng tiền vào kênh đầu tư chứng khoán vẫn sẽ tăng khi nhà đầu tư nhận thấy các tài sản chất lượng và có tính thanh khoản cao như chứng khoán. Ông cho biết, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn xã hội hóa đầu tư chứng khoán nên làn sóng nhà đầu tư mới sẽ còn tiếp tục.