VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam

15:22 - 09/10/2023

Dân số lớn với thu nhập tăng và tiềm năng phát triển của các kênh hiện đại khiến nhà đầu tư nước ngoài liên tục bơm tiền vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tháng trước, Reuters dẫn nguồn tin cho biết GIC – quỹ đầu tư quốc gia Singapore – và một số nhà đầu tư Thái Lan muốn mua tối đa 20% cổ phần của chuỗi Bách Hóa Xanh. Thương vụ có thể định giá chuỗi bán lẻ thực phẩm của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động 1,5-1,7 tỷ USD.

Đây là động thái mới nhất cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh của Việt Nam.

Ngày 22/9, Shin Dong-bin – chủ tịch Tập đoàn Lotte – đến Hà Nội để khai trương Lotte Mall West Lake trị giá 643 triệu USD. Đây là khu phức hợp cao 23 tầng bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng và căn hộ, có diện tích 7,3 ha.

Thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt quy mô 350 tỷ USD vào năm 2025.

Thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt quy mô 350 tỷ USD vào năm 2025.

Nửa đầu năm 2023, Central Retail thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Tos Chirathivat liên tiếp khai trương các trung tâm mua sắm và đại siêu thị GO! tại Hà Nam và Đồng Nai, đồng thời ra mắt thương hiệu nội thất Come Home của riêng mình. Đầu năm nay, đại gia bán lẻ Thái Lan công bố đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới.

Tính đến giữa năm 2023, Central Retail đã mở 38 đại siêu thị GO! tại Việt Nam và 39 cửa hàng mang các thương hiệu Tops, Go! và LanChi Mart, cùng 52 cửa hàng Nguyễn Kim chuyên phân phối hàng điện máy và nhiều cửa hàng thực phẩm. Central Retail đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ đa kênh số 1 ngành thực phẩm và số 2 trong lĩnh vực bất động sản trung tâm mua sắm.

Cũng trong nửa đầu năm 2023, Uniqlo đến từ Nhật Bản mở thêm 4 cửa hàng tại Việt Nam, trong khi người đồng hương Muji mở thêm cửa hàng tại TP HCM và Hà Nội.

Aeon – một nhà bán lẻ khác của Nhật Bản – vừa khánh thành Aeon Bình Dương New City và dự kiến mở thêm 2-3 đại siêu thị tại Việt Nam trong năm nay.

Các nhà bán lẻ của Việt Nam cũng đang chuẩn bị mở thêm trung tâm mua sắm trên khắp cả nước. WinCommerce thuộc sở hữu của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã mở thêm 150 cửa hàng Winmart+ và 2 siêu thị WinMart trong 6 tháng đầu năm 2023, nâng tổng số điểm bán lẻ của công ty lên 3.500. Đây là chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam tính theo số điểm bán.

Đối với Bách Hóa Xanh, chuỗi này đang có hơn 1.700 cửa hàng, mang lại doanh thu 13,7 nghìn tỷ đồng (tăng 7%) trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ lũy kế 8 nghìn tỷ đồng.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tiềm năng nhất Đông Nam Á, hiện ước tính có quy mô 140 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, quy mô kênh bán lẻ hiện đại vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 25% tổng thị trường bán lẻ, thấp hơn nhiều so với 80% thị phần ở Singapore và 48% ở Thái Lan. Dân số của Việt Nam lớn và nền kinh tế mở cửa với hầu hết các đối tác lớn trên thế giới.

Đó có thể là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư liên tục bơm tiền vào thị trường. Bất chấp áp lực lạm phát và người dân thắt chặt hầu bao, thị trường bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt. Theo Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,57 triệu tỷ đồng. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3,57 triệu tỷ đồng, tăng 8,4%.