VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới trong 30 năm liên tiếp

Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới trong 30 năm liên tiếp

15:54 - 25/05/2021

Ngày 25/5, Chính phủ Nhật Bản thông báo kết thúc tài khóa 2020, nước này tiếp tục giữ vị trí là “chủ nợ” lớn nhất thế giới trong vòng 30 năm liên tiếp.

Bất chấp việc đồng yen tăng giá so với đồng USD đã làm giảm giá trị tài sản ròng của Nhật Bản ở nước ngoài, Nhật Bản vẫn tiếp tục là “chủ nợ” lớn nhất thế giới trong vòng 30 năm liên tiếp.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, tài sản ròng của nước này ở nước ngoài, do chính phủ, các công ty và nhà đầu tư tư nhân nắm giữ, ước tính khoảng 356.970 tỷ yen (3.300 tỷ USD), giảm 0,01% so với tài khóa 2019.

Đây cũng là lần đầu tiên từ năm 2017 đến nay, tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản sụt giảm nhưng vẫn không làm lung lay vị thế của đất nước mặt trời mọc.

Đồng yen của Nhật Bản

Việc tỷ giá trao đổi giữa đồng yen và đồng USD tăng gần 6 yen trong vòng một năm qua đã khiến tài sản ròng của nước này ở nước ngoài “bốc hơi” khoảng 22.000 tỷ yen. Tuy nhiên, nhờ các khoản đầu tư vào chứng khoán và đầu tư trực tiếp ở nước ngoài tăng, cùng với giá trị cổ phiếu mà các nhà đầu tư Nhật Bản đang nắm giữ ở nước ngoài cũng gia tăng, tổng tài sản của Nhật Bản ở nước ngoài tăng 5,1%, đạt mức kỷ lục 1,146 triệu tỷ yen (khoảng 10.050 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, nợ phải trả của Nhật Bản ở nước ngoài tăng 7,6% lên mức kỷ lục 789.160 tỷ yen (7.240 tỷ USD), phản ánh làn sóng đầu tư nhiều hơn của người nước ngoài tại Nhật Bản cũng như giá trị cổ phiếu Nhật Bản do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cao hơn.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, tác động của đại dịch COVID-19 dường như không làm giảm đáng kể “tham vọng” đầu tư ra nước ngoài, thay vào đó, dường như nguồn tiền dồi dào do chính phủ và ngân hàng trung ương các nước cung cấp để đối phó với đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều giao dịch ở các nước khác hơn.

Tính trên toàn thế giới, trong tài khóa 2020, Đức đứng vị trí thứ hai với tài sản ròng ở nước ngoài là 323.470 tỷ yen (2.960 tỷ USD), tiếp theo là Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) với 223.090 tỷ yen (2.050 tỷ USD) và Trung Quốc với 222.830 tỷ yen (2.040 tỷ USD).