VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nhiều công ty chứng khoán báo cáo lợi nhuận giảm mạnh trong quý I

Nhiều công ty chứng khoán báo cáo lợi nhuận giảm mạnh trong quý I

12:28 - 21/04/2023

Có công ty chứng khoán báo lãi giảm đến hơn 80% so với cùng kỳ năm 2022 do tình hình thị trường chứng khoán khó khăn.

Lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán trong quý I năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh các mảng từ tự doanh, môi giới đến ký quỹ đều gặp bất lợi.

Chứng khoán VNDirect báo lãi sau thuế giảm 82% so với cùng kỳ, rơi từ 762 tỷ đồng xuống 140 tỷ đồng. Công ty cho biết nguyên nhân là do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chung dẫn đến doanh thu giảm 27% xuống 1.290 tỷ đồng. Riêng doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ và môi giới của VNDirect giảm lần lượt 46% và 68%, chỉ có doanh thu tự doanh tăng 18% lên 782 tỷ đồng. Chi phí tăng 4%, với lỗ tự doanh tăng 88% và chi phí tài chính cũng tăng gấp 3 lần.

VNDirect báo lãi giảm 82% so với cùng kỳ.

VNDirect báo lãi giảm 82% so với cùng kỳ.

Chứng khoán SSI cũng báo lãi trước thuế quý I giảm 33%, đạt 590 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động giảm 26% xuống 1.439 tỷ đồng, trong đó lãi từ FVPTL (các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ) tăng nhẹ lên 679 tỷ đồng nhưng lãi từ cho vay và phải thu giảm một nửa xuống dưới 340 tỷ đồng. Doanh thu môi giới cũng giảm 57%, đạt 257 tỷ đồng.

Chứng khoán SHS và Chứng khoán VCI cũng báo lãi giảm sâu. Lợi nhuận trước thuế quý I của SHS giảm 88% xuống còn 51 tỷ đồng, trong khi VCI ghi nhận lãi sau thuế vỏn vẹn 77 tỷ đồng, giảm 84%.

Tương tự, Chứng khoán Techcombank (TCBS) và Chứng khoán TP HCM (HSC) đều ghi nhận lãi giảm hơn một nửa, lần lượt đạt 334 tỷ đồng (so với 940 tỷ đồng của quý 1/2022) và 124 tỷ đồng (so với 282 tỷ đồng của quý I/2022). Trong khi đó, Mirae Asset báo lãi trước thuế giảm 53%, còn 160 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu hoạt động giảm 25% xuống 562 tỷ đồng.

Hầu hết các công ty chứng khoán trên cho rằng lợi nhuận sụt giảm là do tác động tiêu cực của thị trường chứng khoán trong 3 tháng đầu năm 2023. Với độ nhạy cảm thị trường cao, các mảng tự doanh, môi giới và ký quỹ đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong đó, mảng môi giới gặp khó khi số nhà đầu tư mới vào thị trường giảm mạnh, trong khi các nhà đầu tư hiện hữu cũng ít giao dịch. Giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE giảm liên tục trong 3 tháng đầu năm, rơi xuống còn khoảng 8.000 tỷ đồng/phiên vào tháng 3. Tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong quý I chỉ đạt khoảng 140.000, chưa bằng mức bình quân một tháng của năm ngoái.

Lãi suất được cho là yếu tố có tác động lớn đến tâm lý thị trường. Lãi suất cao khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp khi chi phí lãi vay gây áp lực trong bối cảnh sức mua toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cao cũng là một rào cản đáng kể đối với nhu cầu vay ký quỹ của nhà đầu tư.

Các số liệu thống kê chưa cho thấy nhiều dấu hiệu cải thiện. Dư nợ cho vay – sau khi giảm mạnh trong quý IV năm ngoái xuống mức thấp nhất trong 7 quý – chỉ tăng nhẹ trong quý I năm nay, ước đạt 123.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ký quỹ ước đạt khoảng 118.000 tỷ đồng. Dư nợ tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán tiếp tục giảm nhẹ 2.000 tỷ đồng xuống còn 58.000 tỷ đồng.