VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Nhiều doanh nghiệp TP HCM dừng hoạt động vì không thể thực hiện “ba tại chỗ”

Nhiều doanh nghiệp TP HCM dừng hoạt động vì không thể thực hiện “ba tại chỗ”

11:41 - 15/07/2021

Không thể đáp ứng được các quy định về chỗ ăn, ở cho toàn bộ công nhân trong 1 ngày, nhiều doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM buộc phải dừng hoạt động từ 15/7.

Tối 13/7, UBND TP.HCM ban hành quy định về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sản xuất từ ngày 15/7. Theo đó, doanh nghiệp muốn tiếp tục sản xuất phải thực hiện phương châm “ba tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc phương án “một cung đường – 2 địa điểm” – vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở tập trung như ký túc xá, khách sạn.

Doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện trên và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh thì mới được phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Ngoài ra, công nhân phải được xét nghiệm 7 ngày/lần bằng chi phí tự trả.

Công nhân ở Khu công nghệ cao, TP.HCM ăn ngủ tại chỗ.

Công nhân ở Khu công nghệ cao, TP.HCM ăn ngủ tại chỗ.

Sáng ngày 14/7, ngay sau khi có thông báo mới của UBND thành phố, chủ một doanh nghiệp may có xưởng sản xuất tại Củ Chi đã nhắn tin chia sẻ với người quen: “Đợt này là đóng cửa nhà máy luôn mặc dù đã cố gắng không bị ngừng hoạt động ngày nào kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Cố gắng từng ngày để chạy đơn hàng, đảm bảo lương cho công nhân. Nhà máy đóng cửa thì dễ, đối tác có thể thương lượng được, nhưng hơn 4.000 công nhân bị nghỉ việc thì làm sao? Thế nhưng, để chuẩn bị cho số lượng công nhân này ở lại luôn trong nhà máy là bất khả thi, không còn cách nào khác, buộc phải ngưng hoạt động”.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM cho biết, các xưởng may, da, giày do đặc thù công việc đông người, diện tích xưởng không quá rộng nên không thể thực hiện quy định “ba tại chỗ”. Vì vậy, từ ngày 15/7, hầu hết các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn TP.HCM đã phải tạm đóng cửa nhà máy.

“Tổ chức ăn uống như trước nay trong giờ làm việc vẫn được, nhưng chỗ đâu cho cả ngàn công nhân ngủ? Rồi nhà vệ sinh, chỗ tắm rửa… bao nhiêu vấn đề kéo theo và doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được. Hơn nữa, nếu chỉ đảm bảo chỗ ở cho khoảng 20 – 30% số công nhân thì hoạt động sản xuất cũng không hiệu quả. Ví dụ, một dây chuyền trước đây 50 người, nếu thiếu 10 người đã gặp khó khăn và nếu chỉ còn 20 người thì dây chuyền này không thể sản xuất được. Thế nên, phương án duy nhất hiện nay là cố gắng thương lượng với khách hàng để kéo giãn thời gian giao hàng và hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để có thể kinh doanh trở lại”, ông Hồng chia sẻ với báo Thanh niên.

Những doanh nghiệp lớn có tiềm lực còn khó đáp ứng yêu cầu của thành phố, thì các doanh nghiệp tầm trung trở xuống lại càng khốn đốn, gần như bế tắc không làm được gì.

Đang đau đầu với những đơn hàng nguyên liệu từ các tỉnh miền Tây không vận chuyển được, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Liên kết Toàn Cầu, ngã ngửa trước quyết định bất ngờ của UBND TP.HCM. “Không có thời gian nào cho các doanh nghiệp trở tay kịp”, ông nói.

Theo ông, dù chỉ có 40 công nhân làm việc tại xưởng nhưng công ty không thể bố trí ngay chỗ ăn, ở cho mọi người trong một ngày vì ngoài chỗ ăn, chỗ ngủ còn cần rất nhiều trang thiết bị phục vụ cuộc sống. nhu yếu phẩm hàng ngày.

“Dù có cho thêm thời gian thì chúng tôi cũng rất khó để đáp ứng bởi trụ sở công ty ở Hóc Môn, ngay trong thành phố, không biết “đào đâu” ra chỗ để triển khai lưu trú cho công nhân. Thành phố yêu cầu như vậy, chúng tôi bắt buộc phải ngưng sản xuất”, ông Luận cho biết.

Cũng theo ông Luận, thành phố đang bộc lộ nhiều lúng túng trong phương án chống dịch gắn với duy trì sản xuất kinh doanh. Liên tục các quyết định từ lập chốt kiểm tra, yêu cầu phương tiện qua thành phố phải có giấy chứng nhận… đến yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ”, xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần với công nhân đều chưa hợp lý.

“Thực tế, dịch bệnh diễn ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua đã rất cầm chừng. Liên tục phải gánh chịu nhiều khó khăn từ những quyết sách không phù hợp khiến các doanh nghiệp càng kiệt quệ hơn. Nếu tiếp tục thế này, các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục hoạt động, không thể tránh khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Luận cảnh báo.