VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Nhiều dự án điện gió không hoạt động vì vướng chính sách

Nhiều dự án điện gió không hoạt động vì vướng chính sách

14:50 - 10/03/2023

Khoảng 60 dự án điện gió trên cả nước đang đình trệ, làm cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng.

Một cụm 7 tua bin gió ở tỉnh Bến Tre lẽ ra đang cấp điện cho lưới điện của đất nước. Nhưng chúng đã đứng yên trong nhiều tháng khi những vướng mắc về chính sách cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trang trại điện gió ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long này là một trong khoảng 60 dự án bị đình trệ trên cả nước. Số tua bin với tổng công suất 3,5 GW đã xây xong nhưng không hoạt động hoặc vẫn đang xây. Con số đó đủ để cung cấp điện cho 4,4 triệu hộ gia đình.

Một trang trại điện gió ở Bến Tre đã đứng yên trong nhiều tháng.

Một trang trại điện gió ở Bến Tre đã đứng yên trong nhiều tháng.

Với đường bờ biển dài, Việt Nam có nguồn tài nguyên gió tốt nhất Đông Nam Á, trong khi nhu cầu năng lượng đang tăng vọt khi mức sống của người dân cao hơn và ngày càng nhiều các nhà máy sản xuất mọc lên.

Nhưng tiềm năng đó đang chuyển thành sự thất vọng. Chính phủ từng thúc đẩy xây dựng thêm các trang trại điện gió, dẫn đến một làn sóng đầu tư, nhưng đại dịch khiến nhiều nhà đầu tư không kịp hoàn thành dự án của mình để đưa điện lên lưới. Gần đây, chiến dịch chống tham nhũng khiến nhiều quan chức ngại ra quyết định, càng gây thêm vướng mắc.

“Hiện tại là thời điểm rất lộn xộn để phát triển năng lượng tái tạo”, theo Hoàng Giang – Chủ tịch Pacifico Energy Việt Nam, công ty đã đầu tư 65 triệu USD vào trang trại điện gió Bến Tre. “Tất cả các dự án điện gió như chúng tôi đều thua lỗ và chúng tôi đang đứng trước nguy cơ phá sản”.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam và đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, mà còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút các công ty đa quốc gia mở nhà máy ở Việt Nam. David Thoo, nhà phân tích năng lượng và năng lượng tái tạo tại Fitch Solutions, cho biết: “Rủi ro từ năng lượng tái tạo là liệu nguồn cung có đủ mạnh để hỗ trợ tham vọng mở rộng của các nhà sản xuất nước ngoài hay không”.

Vấn đề về điện gió của Việt Nam bắt đầu từ năm 2018, khi Quyết định số 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý mua điện ở mức giá cao thông qua một hệ thống được gọi là biểu giá điện năng, thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Điểm mấu chốt là các nhà phát triển phải bắt đầu vận hành thương mại những dự án đó trước ngày 1/11/2021 để chốt biểu giá và bán điện cho lưới điện.

Làn sóng đầu tư sau đó mang lại lượng tua bin gió mới kỷ lục trong năm 2021. Nhưng vì sự chậm trễ của chuỗi cung ứng do đại dịch, cũng có một lượng lớn dự án không đạt được hạn chót. Các nhà phát triển hiện đang cố gắng đàm phán biểu giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng mức giá đưa ra không hấp dẫn như trước và không rõ cần bao lâu các bên mới đạt được thỏa thuận. “Mức giá mới quá thấp”, ông Giang nói. “Chúng tôi có thể chấp nhận một khoản lợi nhuận hợp lý, nhưng không phải thua lỗ”.

Tình hình càng trở nên rối rắm hơn khi các quan chức ngày càng ngại ra quyết định vì lo sợ bị liên lụy vào chiến dịch chống tham nhũng.

Trong khi đó, các công ty năng lượng tái tạo không cảm thấy chắc chắn cho đến khi Chính phủ công bố kế hoạch năng lượng giai đoạn 2021-2030 – được gọi là Quy hoạch Phát triển Điện 8 – vốn đã chậm trễ từ lâu. Chiến lược này dự kiến không được thông qua trong năm nay và điều đó có thể khiến các dự án bị đình trệ hơn nữa, theo Caroline Chua, một nhà phân tích tại Bloomberg.

Chính phủ cũng đang trì hoãn quy định cho phép các doanh nghiệp ký cái gọi là thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, cho phép họ mua nguồn điện dài hạn trực tiếp từ một dự án năng lượng xanh.

Đối với Energias de Portugal SA, Việt Nam là thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất ở châu Á, nhưng công ty không thấy có cách nào để các dự án tiến triển trong ngắn hạn, theo Pedro Vasconcelos, CEO châu Á Thái Bình Dương của công ty.

Nhiều vấn đề về chuyển đổi năng lượng trên toàn thế giới cũng tương tự như ở Việt Nam. Các nút thắt và quy định đang trì hoãn những dự án điện mặt trời và gió, trong khi lưới điện cũng cần đầu tư lớn để xử lý những nguồn năng lượng không liên tục và thường cách xa nơi tập trung nhu cầu.

“Vấn đề hiện nay là hầu như không thể phê duyệt được bất cứ cái gì”, theo John Rockhold – chủ tịch Pacific Rim Investment and Management, chuyên phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam. “Mọi người đều cực kỳ thận trọng”.