VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhiều nông sản giá tăng mạnh

Nhiều nông sản giá tăng mạnh

14:06 - 14/04/2025

Thị trường nông sản Việt Nam đang chứng kiến một đợt biến động giá đáng chú ý, khi nhiều mặt hàng nông sản thiết yếu đồng loạt tăng giá mạnh.

Mới đây, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ công bằng Eatu (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cho biết giá tiêu và cà phê giảm mạnh đầu tháng do thông tin về thuế của Mỹ, nhưng đã tăng trở lại vào cuối tuần qua.

Cụ thể, nguồn tin từ Báo Thanh Niên cho thấy, sau khi giảm do thông tin thuế đối ứng từ Mỹ, cuối tuần qua, giá cà phê trên sàn giao dịch London đã phục hồi lên mức 5.000 USD/tấn. Trong khu đó, tại Tây Nguyên, giá cà phê cũng tăng liên tiếp trong 3 ngày, với mức tăng từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, đạt bình quân 125.000 đồng/kg.

Lý giải cho xu hướng này, ông Trọng cho hay, nguyên nhân một phần là do Mỹ hoãn thuế, và quan trọng hơn, những người nông dân giữ cà phê đều có tiềm lực tài chính tốt. Họ chỉ bán khi giá đạt mức kỳ vọng, nên giá sẽ sớm tăng lại. Hiện lượng hàng trong dân chỉ còn khoảng 20 – 30%, trong khi vụ thu hoạch tiếp theo phải đến đầu tháng 11 năm 2025.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh ở H.Krông Nô (Đắk Nông), cũng nhận định rằng thị trường nông sản Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi.

Giá tiêu và cà phê giảm mạnh đầu tháng do thông tin về thuế, nhưng đã tăng trở lại vào cuối tuần qua

Trước đây, khi giá giảm, thường xảy ra tình trạng bán tháo, nhưng gần đây, mặc dù giá giảm mạnh, nông dân vẫn không bán ra ồ ạt. Giá hiện tại vẫn chưa đạt mức bình quân tháng trước là 130.000 đồng/kg. Lượng hàng hóa trong dân và đại lý còn khoảng 30 – 40% tổng sản lượng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã đủ hàng cho các hợp đồng đã ký, nhờ vậy nông dân không còn hoảng loạn như trước.

Ông Đắc Đạt nhận định rằng: “Thời gian qua, chúng ta đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, nên nhu cầu với hàng Việt Nam rất cao. Nông dân cũng có nhiều nguồn thu nhập từ các loại nông sản khác như sầu riêng và hồ tiêu, tạo khả năng ‘kháng cự’ với sự biến động giá”.

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, nhấn mạnh rằng giá cà phê và hồ tiêu hiện bị ảnh hưởng bởi nguồn cung thấp hơn nhu cầu. Theo đó, hiện nay, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ hai thế giới về cà phê và đứng đầu về hồ tiêu, do đó tác động của thuế đối ứng từ Mỹ là không nhiều. Ngoài thị trường Mỹ, chúng ta còn có các thị trường quan trọng khác như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, giúp giữ giá ổn định.

Trên thực tế, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế, theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) trong Sách Trắng 2025. Lãnh đạo tổ chức này cho biết sự ổn định và tiềm năng tăng trưởng của VN đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Sách Trắng cũng chỉ ra những kết quả tích cực sau 5 năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do VN – EU (EVFTA), với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2024 tăng 16%, đạt mức kỷ lục 68 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm 2025, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế, như vị trí địa chiến lược, tài nguyên phong phú và lực lượng lao động dồi dào. Khả năng thích ứng và thu hút đầu tư sẽ là yếu tố then chốt định hình tương lai dài hạn của Việt Nam. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm cải thiện hiệu quả quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ là “chìa khóa” để mở rộng không gian tăng trưởng. Bảy năm tới sẽ là giai đoạn quan trọng để Việt Nam phát triển hạ tầng và củng cố các cơ chế quản lý nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng.

https://thanhnien.vn/nhieu-nong-san-gia-tang-manh-18525041322072281.htm