VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Nhiều ông lớn bất động sản muốn làm đường Vành đai 4

Nhiều ông lớn bất động sản muốn làm đường Vành đai 4

14:47 - 07/06/2022

UBND TP Hà Nội cho biết nhiều công ty bất động sản lớn như Vingroup, T&T, Him Lam, DIC … muốn tham gia thực hiện Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.

Mới đây, Quốc hội có phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long) qua địa phận Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).

Do có số vốn lớn nên dự án này sử dụng hình thức đầu tư công kết hợp PPP, nhằm huy động vốn tư nhân.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn BOT 29.447 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 của Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 của Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư gần 86.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, UBND TP Hà Nội cho biết đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư rất tiềm năng muốn tham gia thực hiện dự án như: Tập đoàn Vingroup (nhà đầu tư đề xuất dự án), Tập đoàn T&T, Tập đoàn Him Lam, Công ty Cổ phần DIC …

Báo cáo nêu rõ, các nhà đầu tư đều có cam kết mạnh mẽ trong việc huy động vốn và khẳng định tính khả thi của dự án nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Tờ trình của UBND TP Hà Nội nêu dẫn chứng về điều kiện của doanh nghiệp đề xuất tham gia là Tập đoàn Vingroup. Cụ thể, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán tại thời điểm 30/6/2021, Tập đoàn Vingroup có vốn chủ sở hữu 80.136 tỷ đồng, nợ dài hạn 65.663 tỷ đồng, tài sản dài hạn 123.310 tỷ đồng. Khả năng cân đối vốn dài hạn để đầu tư đến ngày 30/6/2021 của tập đoàn là 22.489 tỷ đồng, lớn hơn vốn góp của nhà đầu tư là 4.417 tỷ đồng – đảm bảo khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

UBND TP Hà Nội cho biết, năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được đánh giá cụ thể hơn ở bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Về tiến độ thực hiện, do dự án có một phần xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư, loại hình hợp đồng BOT nên tiến độ thực hiện của nhà đầu tư có thể rút ngắn, không phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, chủ đầu tư có thể chủ động triển khai, hoàn thành dự án sớm hơn (từ 2024-2026) so với phần đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và chủ động tiến độ giải ngân. Về phần vốn ngân sách, một số hạng mục sẽ hoàn thành vào đầu năm 2027 và lãi vay trong giai đoạn này sẽ được tính trong giai đoạn vận hành.