VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Nhiều thương vụ M&A bất động sản lớn nửa đầu năm 2022

Nhiều thương vụ M&A bất động sản lớn nửa đầu năm 2022

14:34 - 27/07/2022

Nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào bất động sản Việt Nam, với các dự án lớn trong những phân khúc từ bất động sản văn phòng đến công nghiệp.

Trong nửa đầu năm, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, chiếm 26% tổng mức đầu tư 10,06 tỷ USD với các nước đầu tư hàng đầu bao gồm Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong đó, bất động sản văn phòng, đất công nghiệp và đất phát triển dự án lần lượt chiếm 39%, 35% và 26% tổng giá trị các thương vụ, theo Cushman & Wakefield.

Bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield – cho biết, trong khi nhà đầu tư trong nước thường ưu tiên mua lại đất nền để phát triển dự án thì nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các dự án đang hoạt động tạo ra lợi nhuận tốt hoặc liên doanh với đối tác nổi tiếng trong nước. Bà đánh giá các thương vụ M&A đang được cung cấp nguồn vốn dồi dào từ những quỹ đầu tư tư nhân.

Thương vụ Viva Land mua lại Capital Place là một trong những thương vụ M&A bất động sản lớn nhất trong năm nay.

Thương vụ Viva Land mua lại Capital Place là một trong những thương vụ M&A bất động sản lớn nhất trong năm nay.

Hầu hết những giao dịch nổi bất nhất đều xuất hiện từ đầu năm, bà cho biết. Ví dụ như việc Viva Land mua lại tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place (Hà Nội) từ CapitaLand Development với giá 550 triệu USD, hay Novaland mua lại dự án Kenton Node (TP HCM) và tái định vị thành khu chung cư cao cấp Grand Sentosa. Một thương vụ khác có tác động lớn đến thị trường bất động sản khu Đông TP HCM là Sài Gòn Bình An được Masterise Homes mua lại và đổi tên thành Saigon Sports City.

Mới đây nhất, quỹ đầu tư Warburg Pincus của Mỹ công bố rót 250 triệu USD vào Novaland để tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu của nhà đầu tư này tại những vị trí chiến lược. Hung Thinh Land cũng được đầu tư 103 triệu USD từ VinaCapital và Dragon Capital trước khi chuẩn bị IPO.

Tuy nhiên, phân khúc nóng nhất vẫn là bất động sản công nghiệp, theo bà Trang. Khởi đầu là việc thành lập GLP Vietnam Development Partners I với vốn đầu tư 1,1 tỷ USD để phát triển 6 trung tâm logistics, tổng diện tích lên đến 900.000 m2.

Vào tháng 2, BW công bố mua lại khu đất khoảng 74.000 m2 tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, Quảng Ninh và CapitaLand Development ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang để phát triển một khu đô thị – công nghiệp – logistics hơn 400 ha với giá trị đầu tư cam kết 1 tỷ USD.

Các giao dịch đáng chú ý gần đây còn bao gồm việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần Công nghiệp Logistics KTG & Boustead tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) với giá 6,9 triệu USD.

Ngoài bất động sản truyền thống, hồi tháng 6, tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners (Hong Kong) công bố đầu tư dự án trung tâm dữ liệu cấp độ 3 rộng hơn 6.000 m2 tại Khu Công nghệ cao TP HCM.

Bà Trang nhận xét: “Có thể nói tất cả các phân khúc trên thị trường đều sẽ được quan tâm xem xét. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng phân khúc nhà ở và công nghiệp sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư tại thị trường TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Duy Thành – Quản lý Tư vấn đầu tư tại Savills Hà Nội – cho biết, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, ông nhận xét rằng thực tế giải ngân vốn FDI không như cam kết do nhiều yếu tố liên quan đến pháp lý, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm rà soát, điều chỉnh khung pháp lý cho các loại hình bất động sản, cũng như chính sách đầu tư nước ngoài để theo kịp với những biến động toàn cầu.