VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Nhu cầu điện máy suy giảm, Casper lỗ gần 500 tỷ đồng ở Việt Nam

Nhu cầu điện máy suy giảm, Casper lỗ gần 500 tỷ đồng ở Việt Nam

12:33 - 10/04/2023

Thương hiệu Thái Lan báo cáo khoản lỗ đậm ở Việt Nam trong năm 2022 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho các mặt hàng điện tử, điện lạnh.

Công ty cổ phần Tập đoàn Casper Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với khoản lỗ sau thuế 467 tỷ đồng, so với mức lãi 61 tỷ đồng của năm 2021.

Khoản lỗ lớn khiến vốn chủ sở hữu của Casper Việt Nam sau một năm giảm gần một nửa xuống còn 531 tỷ đồng.

Casper là thương hiệu điều hòa được tiêu thụ nhiều thứ 3 ở Việt Nam.

Casper là thương hiệu điều hòa được tiêu thụ nhiều thứ 3 ở Việt Nam.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh từ 6% xuống -87,9% và tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 2,3 lần lên 5,6 lần. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0 lên 0,56 lần, do vào tháng 6/2022, công ty phát hành lô trái phiếu CPGCH2225001 trị giá 300 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm.

Nguyên nhân của khoản lỗ trên là do tổng chi phí hỗ trợ bán hàng của Casper tăng từ 693 tỷ đồng lên 1.095 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ giá, chiết khấu đại lý và kênh phân phối. Doanh thu năm 2022 của công ty tăng từ 4.700 lên 5.600 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Kết quả kinh doanh của Casper kém trong bối cảnh thị trường điện máy suy giảm trong năm 2022, đặc biệt là về nửa cuối năm khi sức mua của người tiêu dùng yếu đi rõ rệt. Các doanh nghiệp bán lẻ điện máy lớn như Thế Giới Di Động, FPT Retail hay Digiworld đều báo cáo kết quả kinh doanh kém trong quý IV/2022 và đầu năm 2023.

Ở mảng TV, Casper Việt Nam cho biết thị phần của hãng tăng từ 6,5% lên 7,2% trong năm 2022.

Casper Việt Nam là đơn vị thuộc công ty Casper của Thái Lan, với trụ sở chính đặt tại tòa nhà Bhiraj, Bangkok. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2016, các sản phẩm chủ lực mà Casper phân phối ở Việt Nam được sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy ở thành phố Rayong và Prachinburi, nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Công ty cũng bán hàng ở nhiều thị trường Đông Nam Á khác như Brunei, Campuchia, Lào và Malaysia.

Trong giai đoạn 2016-2020, Casper Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng với doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng trong năm 2020.

Theo dữ liệu năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường GFK, Casper là thương hiệu điều hòa đứng thứ 3 ở Việt Nam, sau Panasonic và Daikin, với thị phần 16%. Ở ngành hàng TV, Casper cũng là một trong 5 thương hiệu được tiêu thụ nhiều nhất trong năm 2021.

Trước đây, Casper Việt Nam chủ yếu bán điều hòa. Tính riêng danh mục sản phẩm điều hòa, Casper hiện đang phân phối và kinh doanh khoảng 100 mẫu mã, chủng loại như điều hòa inverter, điều hòa cơ, điều hòa tủ đứng, điều hòa cassette, điều hòa âm trần … từ 9.000 đến 50.000 BTU. Công ty nhắm vào phân khúc bình dân với giá bán rẻ, thời gian bảo hành lâu và nhiều khuyến mại.

Từ năm 2020, Casper phát triển thành công ty điện tử, điện lạnh kinh doanh tủ lạnh, TV, điều hòa, máy lọc không khí, máy giặt, máy sấy, nồi cơm điện … Hệ thống phân phối, dịch vụ trực tiếp và gián tiếp của Casper phủ rộng hơn 10.000 điểm tại các tỉnh, thành trên cả nước.