VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm

13:33 - 26/08/2024

Sản phẩm xanh là những sản phẩm được sản xuất và tiêu dùng theo một cách bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Chúng được tạo ra từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường, sử dụng quy trình sản xuất sạch và tiết kiệm năng lượng, đồng thời có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học. Theo Bộ Công Thương, khoảng 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh.

 

Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2023.

Bên cạnh đó, báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 20% so với năm 2020. Doanh số bán sản phẩm tẩy rửa sinh học tăng 15% trong năm 2022 so với năm 2021. Điều này không chỉ cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đến các sản phẩm bảo vệ môi trường, mà còn chứng minh được sự tin tưởng của người tiêu dùng Việt vào các sản phẩm có dán nhãn “xanh”.

Các khảo sát từ người tiêu dùng Việt cũng cho thấy sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng. Minh chứng là kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, 60% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào các sản phẩm này, và 55% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường.

Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng

Tác động tích cực đến người tiêu dùng

Theo đó, các sản phẩm xanh thường được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, không chứa hóa chất độc hại, giảm thiểu nguy cơ gây dị ứng hay các bệnh liên quan đến môi trường. Do đó, việc sử dụng sản phẩm xanh giúp bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng.

Tiêu dùng sản phẩm xanh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, người tiêu dùng sẽ cảm thấy yên tâm hơn về những tác động của mình đến môi trường sống. Điều này tạo ra cảm giác thoải mái và hài lòng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, tiêu dùng sản phẩm xanh sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí trong dài hạn. Mặc dù ban đầu, giá của các sản phẩm xanh có thể cao hơn so với các sản phẩm thông thường, nhưng về lâu dài, việc sử dụng các sản phẩm này lại giúp tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, khi nhu cầu của người tiêu dùng với sản phẩm xanh tăng lên, các doanh nghiệp sẽ có động lực để sản xuất và cung cấp số lượng sản phẩm xanh nhiều hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nền kinh tế xanh.

Được biết, trong những năm gần đây, nhiều môn hình tiêu dùng xanh đã được cộng đồng hưởng ứng như gói rau, củ quả bằng lá chuối thay vì túi nilon, dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay thế ly nhựa, và túi vải thay túi nilon. Các sản phẩm này thân thiện với môi trường đang được người tiêu dùng hưởng ứng ngày càng tích cực và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Chưa kể đến hiện nay, nhiều cửa hàng, siêu thị trên cả nước đã chú trọng cung cấp các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Người dân cũng đã dần quen với việc lựa chọn và sử dụng những sản phẩm này thường xuyên, trở thành một xu hướng mới trong tiêu dùng của người Việt.

Việc áp dụng các mô hình tiêu dùng xanh như vậy đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, đồng thời tạo nên những thói quen tiêu dùng bền vững hơn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sản xuất xanh là yêu cầu nguồn lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu. Chính vì thế, giá bán của các sản phẩm xanh thường có xu hướng cao hơn so với những sản phẩm thông thường. Đây là rào cản với người tiêu dùng khi quyết định lựa chọn sản phẩm xanh. Không chỉ thế, lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng, một vài doanh nghiệp đã đẩy giá bán sản phẩm lên cao, gây lũng đoạn thị trường và nhầm lẫn cho người tiêu dùng; khiến người tiêu dùng không yên tâm khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm được gắn mác sản phẩm xanh.

Chính vì thế, để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững, cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

Hiện tại, Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó có tiêu dùng xanh. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),… Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai.