VNReport»Kinh tế»Những nước nào gặp rủi ro lớn nhất nếu Mỹ áp thuế quan đối ứng?

Những nước nào gặp rủi ro lớn nhất nếu Mỹ áp thuế quan đối ứng?

11:49 - 14/02/2025

Xét theo mức thuế quan mà các nước đang áp dụng và thặng dư thương mại của họ với Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam là hai nước chịu rủi ro lớn nhất nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi kế hoạch áp thuế quan đối ứng.

Ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ nghiên cứu về thuế quan đối ứng đối với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ.

“Tôi đã quyết định vì mục đích công bằng, tôi sẽ đánh thuế quan đối ứng, nghĩa là các nước đánh thuế Mỹ thế nào, chúng ta sẽ đánh thuế họ. Không hơn, không kém”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Ông Trump đã ký một bản ghi nhớ ra lệnh các cơ quan tính thuế nhập khẩu bằng với thuế của các nước khác và đáp trả những rào cản thương mại phi thuế quan như quy định an toàn ô tô và thuế giá trị gia tăng.

Howard Lutnick – ứng cử viên ông Trump đề cử cho vị trí Bộ trưởng Bộ Thương mại – nói rằng quá trình nghiên cứu về vấn đề này sẽ hoàn thành vào ngày 1/4.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới, thuế quan Tối huệ quốc trung bình có trọng số giá trị nhập khẩu của Mỹ là 2,2%, thấp hơn tất cả các đối tác thương mại lớn của họ trừ Nhật Bản và Đài Loan.

Trong số các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Ấn Độ là nước áp thuế quan cao nhất: thuế quan trung bình trọng số của nước này lên đến 12%. Năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 87,4 tỷ USD hàng hóa từ Ấn Độ và xuất khẩu 41,8 tỷ USD sang nước này, tương đương thâm hụt thương mại 45,6 tỷ USD, theo dữ liệu chính phủ Mỹ.

Trong chuyến thăm Washington ngày 13/2 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Trump cho biết ông Modi sẽ giảm thuế quan để tăng khả năng tiếp cận vào Ấn Độ của hàng hóa Mỹ, đồng thời ám chỉ Ấn Độ sẽ tăng mua năng lượng của Mỹ để giúp giảm thâm hụt thương mại.

Một quốc gia châu Á khác đang áp thuế quan cao với hàng nhập khẩu là Hàn Quốc. Tuy nhiên, với thỏa thuận thương mại tự do đã ký kết với Mỹ từ năm 2007, thuế quan của Hàn Quốc với hàng Mỹ trung bình chỉ là 0,79% trong năm 2024. Điều này được cho là sẽ giúp Hàn Quốc tránh thiệt hại do thuế quan đối ứng.

Tuy nhiên, nước này vẫn sẽ xem xét các rào cản thương mại phi thuế quan, quyền Tổng thống Choi Sang-mok cho biết ngày 14/2.

Brazil áp thuế quan trung bình trọng số 6,7%. Thậm chí, thông báo ngày 13/2 của Nhà Trắng về kế hoạch thuế đối ứng của ông Trump nhắc trực tiếp đến thuế quan 18% mà nước này đang áp dụng với ethanol của Mỹ, trong khi Mỹ chỉ áp ngược lại 2,5%.

Nhưng vì Brazil có thâm hụt thương mại với Mỹ, nước này có thể sẽ ít chịu thiệt hại trong một cuộc chiến tranh thương mại.

Với thặng dư thương mại lớn cùng với thuế quan cao, Việt Nam có thể bị tác động lớn nếu Mỹ áp thuế quan đối ứng.

Cụ thể, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm 2024 đạt kỷ lục 123 tỷ USD, lớn hơn tất cả các nước khác ngoại trừ Trung Quốc và Mexico. Trong khi đó, thuế quan trung bình trọng số của Việt Nam là 5,1%. Một số mặt hàng mà Việt Nam đánh thuế quan cao bao gồm đồ uống, thuốc lá, đường, bánh kẹo, rau quả, may mặc và xe cộ.

Năm 2019, ông Trump từng gọi Việt Nam là “nước lạm dụng [thương mại] lớn nhất”, nhưng chưa nhắc đến Việt Nam trong những phát biểu công khai kể từ khi đắc cử lần thứ hai.

Tháng 11/2024, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hưng Việt đã thông báo kế hoạch mua thêm máy bay, LNG và các sản phẩm khác từ Mỹ nhằm thu hẹp mất cân bằng thương mại song phương.

Các nền kinh tế lớn ở châu Âu có thuế quan trung bình tương đối thấp – khoảng 3%. Nhưng thuế giá trị gia tăng cao ở EU có thể bị Mỹ xem như một rào cản thương mại với hàng hóa của họ.

Nhật Bản đang có thuế quan trung bình thấp hơn Mỹ, nhưng nước này áp thuế quan cao đối với một số mặt hàng mà Mỹ xuất khẩu lớn như nông sản.