VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Những thách thức với phát triển điện LNG ở Việt Nam

Những thách thức với phát triển điện LNG ở Việt Nam

07:28 - 18/07/2023

Bất đồng về giá giữa các chủ đầu tư và EVN, các nhà máy chậm tiền độ và thiếu hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn là những vấn đề cần giải quyết để LNG đóng góp đáng kể vào cơ cấu điện quốc gia.

Việt Nam vừa nhận lô khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu đầu tiên trong tháng này, một cột mốc quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức trước khi LNG giải quyết được tình trạng thiếu điện.

Bất đồng về giá, sự chậm trễ trong xây dựng nhà máy và thiếu hợp đồng cung cấp đang cản trở nỗ lực biến LNG thành một loại nhiên liệu chính của đất nước, theo các chuyên gia trong ngành.

Những đợt mất điện trong mùa hè năm nay khiến nhà đầu tư nước ngoài lo lắng về mức độ đáng tin cậy của Việt Nam như là một lựa chọn để đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong một khảo sát hồi tháng 6 của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, một nửa số doanh nghiệp trả lời rằng cuộc khủng hoảng điện ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của họ. Một số cho biết đang cân nhắc những quốc gia khác hoặc tạm dừng đầu tư thêm vào các nhà máy.

Kế hoạch LNG cũng nhằm đạt được những mục tiêu khí hậu của Chính phủ, muốn giảm khí thải bằng cách sử dụng khí đốt làm nhiên liệu chuyển tiếp từ than đá. Với dự báo nhu cầu tăng 6%/năm từ nay đến hết thập kỷ, hồi tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông qua Quy hoạch điện VIII, bao gồm 13 nhà máy phát điện bằng LNG nhập khẩu đến năm 2030.

Hiện nay, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore đang sử dụng LNG để phát điện, trong khi Philippines vừa nhập khẩu lô LNG đầu tiên vào tháng 6.

Chuyến LNG đầu tiên đến Việt Nam cập cảng Thị Vải vào tuần trước.

Chuyến LNG đầu tiên đến Việt Nam cập cảng Thị Vải vào tuần trước.

Chuyến LNG đầu tiên đến Việt Nam vào tuần trước. Lô hàng thử nghiệm khí siêu lạnh được vận chuyển đến cảng Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) để chuyển đổi lại thành khí.

Việt Nam đặt mục tiêu LNG tạo ra công suất điện lên tới 22,4 gigawatt (GW) vào năm 2030, đủ cung cấp cho 20 triệu hộ gia đình và chiếm gần 15% nguồn cung điện quốc gia. Nhưng theo Kaushal Ramesh – một nhà phân tích tại Rystad Energy có trụ sở ở Oslo – kỳ vọng thực tế chỉ là 5 GW.

Làm phức tạp thêm kế hoạch LNG, phần lớn những dự án điện khí của Việt Nam dự kiến nằm ở miền Nam, mặc dù miền Bắc có rủi ro mất điện cao hơn. Nhà máy đầu tiên ở miền Bắc sẽ bắt đầu hoạt động sớm nhất là nửa cuối năm 2027, theo chủ đầu tư dự án Tokyo Gas.

Nhà máy đầu tiên sắp đi vào hoạt động – Nhơn Trạch 3 phát triển bởi Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) – nằm ở Đồng Nai và dự kiến bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2024.

Việc các dự án điện LNG bị chậm trễ là do thiếu hợp đồng dài hạn và vấn đề về nguồn vốn và giấy phép, theo các chính quyền địa phương.

Một rào cản chính là PV Power chưa nhất trí được với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về khối lượng và giá mua điện được phát bởi các nhà máy LNG, hiện đắt hơn khoảng 50% so với khí đốt trong nước, theo các nguồn tin của Reuters. PV Power muốn bán ít nhất 80-90% sản lượng điện LNG cho EVN với giá cố định trong 20 năm, trong khi EVN muốn cam kết sản lượng ít hơn.

Một chuyên gia trong ngành cho biết các chủ đầu tư nhà máy muốn được Nhà nước cam kết các hợp đồng của họ EVN, đồng thời cảnh báo rằng các bên cho vay sẽ không tài trợ dự án nếu không có cam kết này.

Theo một tài liệu nội bộ của một quốc gia thuộc Nhóm G7, bất đồng về giá điện góp phần làm chậm sự phát triển của ngành điện gió, khiến một tỷ lệ đáng kể các trang trại điện gió không kết nối với lưới điện trong nhiều năm, lãng phí ít nhất 4,6 GW công suất điện gió trên bờ.

Các chủ đầu tư nước ngoài của những dự án nhà máy điện LNG – bao gồm AES (Mỹ) và Marubeni (Nhật Bản) – đang theo dõi chặt chẽ cuộc đàm phán về giá giữa PV Power và EVN, mà họ có thể tham khảo cho những cuộc đàm phán của mình với EVN.

Takafumi Akino của Tokyo Gas – công ty đang phát triển một kho cảng LNG và nhà máy điện ở tỉnh Quảng Ninh – dự đoán “các cuộc đàm phán khó khăn”.

Nhà máy điện LNG lớn nhất theo dự kiến là một dự án 3,2 GW do Delta Offshore Energy (Singapore) phát triển. Dự án đang tái cơ cấu nợ sau khi không trả được khoản vay 10 triệu USD từ Gulf International Holdings, theo tài liệu tòa án.

Sự chậm trễ và không chắc chắn khiến việc đảm bảo nguồn cung LNG dài hạn trở nên khó khăn hơn khi Việt Nam phải cạnh tranh với các nước nhập khẩu khác. Người mua trên khắp Trung Quốc, Nam và Đông Nam Á đã ký một loạt hợp đồng cung cấp dài hạn trong năm nay.

Tháng này, PV Gas cho biết đang đàm phán với các tập đoàn năng lượng khổng lồ ExxonMobil của Mỹ và Novatek của Nga về hợp tác LNG. Theo hai nguồn tin của Reuters, PV Gas đang tìm kiếm nguồn cung LNG với “giá thấp phi thực tế”.

Nếu không có nguồn cung LNG dài hạn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với giá thị trường thường xuyên biến động mạnh. Ở châu Á, giá LNG tăng vọt lên kỷ lục 70 USD/1 triệu Btu năm ngoái trước khi giảm xuống mức 12 USD hiện nay.