VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Nike, Adidas có thể chịu tác động nếu Trump áp thuế quan với Việt Nam

Nike, Adidas có thể chịu tác động nếu Trump áp thuế quan với Việt Nam

12:16 - 02/04/2025

Thuế quan với Việt Nam có thể đe dọa sự phục hồi của Nike và Adidas trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng lên và các động lực thị trường thay đổi.

Nike có thể sớm phải đối mặt với một trở ngại khác trong nỗ lực khôi phục thương hiệu và đảo ngược tình trạng doanh thu sụt giảm kéo dài: thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Vào ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ​​sẽ công bố những quốc gia và sản phẩm mà ông nhắm đến trong một vòng thuế quan mới, nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và thuyết phục các nước khác mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn.

Việt Nam – có thặng dư thương mại 123,5 tỷ USD với Mỹ – là một mục tiêu chính.

Nike là một trong số những thương hiệu đồ thể thao phụ thuộc rất nhiều vào Việt Nam như một địa điểm sản xuất. Thuế quan cao hơn sẽ buộc công ty phải chịu chi phí cao hơn hoặc tăng giá vào thời điểm họ đang giảm giá một số mặt hàng để giải phóng hàng tồn kho.

Theo báo cáo thường niên, Nike đã sản xuất 50% giày dép và 28% hàng may mặc tại Việt Nam trong năm tài chính 2024. Đối thủ Adidas ít bị ảnh hưởng hơn một chút, phụ thuộc vào Việt Nam cho 39% giày dép và 18% hàng may mặc.

Theo tính toán dựa trên dữ liệu thương mại tháng 1 của Sheng Lu – giáo sư nghiên cứu thời trang và trang phục tại Đại học Delaware – thuế quan trung bình của Mỹ đối với giày dép từ Việt Nam là 13,6% và đối với hàng may mặc là 18,8%.

Nike và Adidas nằm trong những thương hiệu đồ thể thao phụ thuộc nhiều vào Việt Nam như một địa điểm sản xuất. Ảnh: Shutterstock/SCMP.

Nike và Adidas nằm trong những thương hiệu đồ thể thao phụ thuộc nhiều vào Việt Nam như một địa điểm sản xuất. Ảnh: Shutterstock/SCMP.

“Nếu thuế quan tăng ở đó, thì Nike sẽ gặp vấn đề”, theo nhà phân tích David Swartz của Morningstar. Nike và Adidas không phải là những trường hợp duy nhất. Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giày chạy bộ công nghệ cao, đồ thể thao và trang phục ngoài trời khi các thương hiệu tìm cách giảm sự tiếp xúc với Trung Quốc.

Lululemon, Columbia Sportswear và Amer Sports – công ty sở hữu Salomon và Arc’Teryx – coi Việt Nam là quốc gia sản xuất hàng đầu của họ.

Khả năng tăng thuế quan xuất hiện vào thời điểm quan trọng đối với Nike, vì gần đây, họ đã mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh được xem là mới và sáng tạo hơn, như On và Hoka. Trong hội thảo từ xa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý vào tháng trước, giám đốc tài chính Matt Friend cho biết doanh thu của Nike dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm trong quý tới.

Dự báo đó đã tính đến thuế quan hiện tại, theo Mari Shor, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao của Columbia Threadneedle Investments đang nắm giữ cổ phiếu Nike. “Nhưng nếu tình hình tệ hơn thì sao?”

Một số thương hiệu đồ thể thao nhỏ hơn và mới hơn thậm chí còn có mức độ tiếp xúc với Việt Nam cao hơn. Ảnh: Shutterstock/SCMP.

Một số thương hiệu đồ thể thao nhỏ hơn và mới hơn thậm chí còn có mức độ tiếp xúc với Việt Nam cao hơn. Ảnh: Shutterstock/SCMP.

Một số thương hiệu đồ thể thao nhỏ hơn và mới hơn thậm chí còn có mức độ tiếp xúc với Việt Nam cao hơn. Thương hiệu chạy bộ On có 90% giày và 60% trang phục và phụ kiện sản xuất ở Việt Nam trong năm 2024.

Giày On vốn đã đắt, với giá bán từ 130 đến 330 USD một đôi, và Samuel Wenger – giám đốc điều hành của thương hiệu – nói rằng thuế quan là một trong những yếu tố On cân nhắc khi quyết định giá. “Thương hiệu cao cấp của chúng tôi cho phép chúng tôi điều chỉnh giá một cách hợp lý”.

Giá giày thể thao trung bình tại Mỹ đã tăng 25% kể từ năm 2019, một phần do chi phí sản xuất tăng, theo Beth Goldstein, nhà phân tích ngành giày dép tại công ty nghiên cứu thị trường Circana. Doanh thu bán giày chạy bộ tại Mỹ đã tăng 16% lên 7,4 tỷ USD kể từ năm 2021, theo Circana, nhưng niềm tin của người tiêu dùng Mỹ gần đây đã chạm mức thấp nhất trong 4 năm, cho thấy họ có thể khó chấp nhận giá tăng hơn nữa.

Không dễ chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Các nước Đông Nam Á khác – chẳng hạn như Campuchia và Indonesia – cũng có thể phải đối mặt với thuế quan. Chi phí sản xuất tại những nơi này cũng đang tăng lên.

Các nhà máy ở Campuchia đang tính thêm 5-10% khi họ nhận được nhiều đơn hàng hơn từ các nhà bán lẻ muốn chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc hoặc Việt Nam, theo Michael Yee – CEO công ty cung ứng hàng may mặc và phụ kiện MGF Sourcing tại Hong Kong.

Các chuyên gia cho biết thuế quan với hàng từ Việt Nam – đặc biệt là với hàng may mặc – khó có thể cao như thuế quan với hàng từ Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock/SCMP.

Các chuyên gia cho biết thuế quan với hàng từ Việt Nam – đặc biệt là với hàng may mặc – khó có thể cao như thuế quan với hàng từ Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock/SCMP.

Nike, Adidas và Amer Sports từ chối bình luận về các câu hỏi liên quan đến thuế quan với Việt Nam. Lululemon và Columbia Sportswear không trả lời yêu cầu bình luận. Tin tốt, theo các chuyên gia, là thuế quan với hàng từ Việt Nam – đặc biệt là hàng may mặc – khó có thể cao như thuế quan với hàng từ Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã thực hiện một số bước để giữ được thiện cảm của ông Trump: hứa sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ, giảm thuế quan, và cho phép Starlink – công ty vệ tinh sở hữu bởi cố vấn của ông Trump, Elon Musk – cung cấp dịch vụ internet trong nước. Đồng thời, Trump Organization đang hợp tác với Việt Nam để có thể đầu tư vào các dự án khách sạn, bất động sản và sân golf trị giá hàng tỷ USD

“Việt Nam đã chứng minh khả năng chơi trò chơi địa chính trị rất khéo léo”, theo Johannes Loefstrand – giám đốc danh mục đầu tư tại T. Rowe Price và đang điều hành chiến lược cổ phiếu thị trường cận biên tập trung vào cổ phiếu Việt Nam.

Wilbur Ross – cựu Bộ trưởng Thương mại trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump – cho biết tổng thống nhìn chung có mối quan hệ tốt với Việt Nam và không có lý do gì để đánh thuế quan cao mà người dân có thể cảm nhận thấy. “Mọi người chú ý đến chi phí của hàng may mặc vì họ mua chúng khá thường xuyên”, ông nói.

Theo:

https://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/3304809/trumps-tariffs-vietnam-could-spell-trouble-nike-adidas