VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nợ hộ gia đình ở Việt Nam tăng cao

Nợ hộ gia đình ở Việt Nam tăng cao

07:48 - 11/05/2021

Báo cáo bảng cân đối kế toán của các ngân hàng do HSBC vừa công bố cho biết, nợ hộ gia đình ở Việt Nam có khả năng chịu tác động xấu, khi thị trường lao động gặp ảnh hưởng tiêu cực.

Kết luận dựa trên việc phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank – nhóm chiếm một nửa tổng dư nợ toàn thị trường. Theo đó, đang có sự gia tăng rủi ro trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, đi cùng với tình hình nợ hộ gia đình tăng cao. Nếu năm 2013, vay hộ gia đình chỉ chiếm 28% tổng cho vay của 4 ngân hàng lớn thì năm 2020, tỷ lệ này đạt 46%. Tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí tăng vọt từ 41% thu nhập năm 2013 lên hơn 100% năm 2020.

HSBC thừa nhận có những hạn chế trong việc đánh giá vì nợ hộ gia đình bao gồm vay sử dụng vào mục đích kinh doanh. Dựa theo tiêu chuẩn của IMF, hơn 50% nợ hộ gia đình là tín dụng cấp cho các doanh nghiệp tư nhân và 25% là vay thế chấp.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng này cho rằng, giả sử áp dụng tiêu chuẩn của IMF vào trường hợp Việt Nam, cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 50% thu nhập trên một lao động vào năm 2020 vẫn là một tỷ lệ cao với thị trường mới nổi như Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng phát triển mạnh hơn so với các nước trong khu vực, nhưng thị trường lao động yếu vẫn là đáng ngại với phục hồi nhu cầu trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,4% trong quý 1/2021, từ mức cao nhất là 2,7% trong quý 2/2020. Tuy nhiên, việc làm vẫn ít hơn 950.000 vị trí so với trước dịch và lần đầu tiên trong những năm gần đây tiền lương suy giảm. Cùng với đó, phần lớn lực lượng lao động đang là lao động phi chính thức, với mạng lưới an sinh xã hội còn ít.