VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Nỗ lực cứu công ty bất thành của ông chủ Evergrande

Nỗ lực cứu công ty bất thành của ông chủ Evergrande

14:51 - 17/10/2023

Năm 2021, chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan từng hứa sẽ hoàn thiện xây và giao nhà cho những người đã mua căn hộ của công ty. Nhưng Evergrande không giữ lời và công ty sẽ khó có thể tồn tại được.

Hui Ka Yan – từng là một trong những người giàu nhất thế giới – lãnh đạo Evergrande qua những giai đoạn thăng trầm. Thất bại của ông trong nỗ lực cứu công ty bất động sản này khiến nó trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn đối với thị trường nhà ở đang khủng hoảng của Trung Quốc.

Năm 2021, khi Evergrande rơi vào khủng hoảng về tài chính, công ty đã tìm đến các quan chức chính phủ để nhờ giúp giải quyết núi nợ mà họ không thể trả được. Chính quyền và cơ quan quản lý Trung Quốc đồng ý giúp Evergrande, với điều kiện ông Hui – nhà sáng lập và chủ tịch của công ty – cam kết ưu tiên xây dựng và hoàn thiện những ngôi nhà mà công ty đã bán trước cho khách hàng. Evergrande cũng hứa sẽ hoàn trả đầy đủ các nhà đầu tư trong nước đã mua sản phẩm quản lý tài sản của họ, sau các cuộc biểu tình tại trụ sở chính công ty.

Hai năm sau, khoảng 800.000 trong số 1,2 triệu căn hộ bán trước của Evergrande vẫn chưa hoàn thiện, theo phân tích hồ sơ pháp lý công ty do Wall Street Journal thực hiện. Công việc xây dựng tại một số dự án khu dân cư của Evergrande ở Hợp Phì, Trịnh Châu, Thành Đô … bị chậm hoặc đình trệ. Tiền dừng chảy đến tay những người nắm giữ sản phẩm quản lý tài sản của Evergrande từ tháng 8, khiến nhà đầu tư lại khóc ròng.

Lời thất hứa của ông Hui chọc giận những người Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào các căn hộ và sản phẩm đầu tư chưa hoàn thiện của họ. Điều này làm gia tăng thách thức của Bắc Kinh trong việc giải quyết tình trạng hỗn loạn bất động sản nói chung và khôi phục niềm tin của người mua vào thị trường nhà ở. Doanh số bán nhà toàn quốc liên tục giảm làm rung chuyển ngay cả những nhà phát triển mạnh hơn trong lĩnh vực này.

Ông Hui đang bị cảnh sát giám sát và điều tra, khiến Evergrande càng rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Ông Hui đang bị cảnh sát giám sát và điều tra, khiến Evergrande càng rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Tháng trước, các cơ quan quản lý Trung Quốc chặn kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài và tái cơ cấu hoạt động kinh doanh mà Evergrande và các cố vấn của họ đã dày công xây dựng. Ông Hui bị cảnh sát giám sát và điều tra, khiến công ty càng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Giới chức đang điều tra xem liệu doanh nhân 65 tuổi này có cố gắng chuyển tài sản ra nước ngoài hay không. Một nhóm trái chủ của Evergrande cảnh báo vào tuần trước rằng việc hủy bỏ kế hoạch tái cơ cấu có thể dẫn đến “sự sụp đổ không thể kiểm soát của tập đoàn”, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các công ty khác trong ngành.

Việc ông Hui bị giám sát là bước lùi của một tỷ phú từng mạnh miệng tuyên bố vào năm 2021 rằng Evergrande sẽ trở lại như một công ty xe điện thành công, với mảng kinh doanh bất động sản nhỏ hơn nhiều. Nhưng cho đến nay, hãng ô tô của ông Hui vẫn không thể bắt đầu kinh doanh vì thiếu dòng tiền.

Ông Hui sinh năm 1958 và lớn lên ở Chu Khẩu, một trong những thành phố nghèo nhất ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Vũ Hán, ông làm việc tại một nhà máy thép quốc doanh và một công ty thương mại trước khi thành lập Evergrande vào năm 1996 tại Quảng Châu, miền nam đất nước. Hai thập kỷ sau, công ty trở thành doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu.

Là cổ đông sở hữu đa số Evergrande, ông Hui và gia đình thu về số cổ tức bằng cổ phiếu tương đương khoảng 7,1 tỷ USD từ công ty trong những năm qua, theo hồ sơ pháp lý. Tài sản cá nhân của ông được Forbes định giá hơn 40 tỷ USD vào năm 2017. Khi giới đầu tư bắt đầu lo lắng về tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Evergrande và nợ ngày càng tăng, trong năm 2018, ông Hui công khai thể hiện niềm tin của mình bằng cách đầu tư 1 tỷ USD vào trái phiếu USD của công ty, có lãi suất lên tới 13,75%/năm.

Sau 2 năm, phần lớn những căn nhà mà Evergrande từng hứa hoàn thiện vẫn đang dang dở.

Sau 2 năm, phần lớn những căn nhà mà Evergrande từng hứa hoàn thiện vẫn đang dang dở.

Bữa tiệc kết thúc ở Evergrande sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc áp đặt hạn chế đòn bẩy lên các nhà phát triển bất động sản vào năm 2020, trong một chính sách được biết đến rộng rãi là “ba lằn ranh đỏ”. Một số ngân hàng bắt đầu yêu cầu trả nợ trước hạn và các nhà đầu tư ngừng mua trái phiếu của công ty. Đến giữa năm 2021, tình trạng khủng hoảng tiền mặt của Evergrande khiến công ty không thể thanh toán cho các nhà thầu xây dựng và hàng trăm dự án bất động sản của công ty phải dừng xây.

Evergrande tìm kiếm sự giúp đỡ của chính phủ vào cuối năm 2021. Dù không giải cứu, nhưng chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cử một nhóm làm việc tới công ty để giúp quản lý rủi ro và hoạt động. Chính quyền Trung Quốc cũng cho phép Evergrande vỡ nợ đối với trái phiếu quốc tế của mình. Ông Hui tiếp tục lãnh đạo công ty và tiến hành kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài. Ông liên tục hứa hẹn trong suốt năm 2022 sẽ hoàn thành xây và giao nhà cho người mua.

Điều mà các cơ quan quản lý không lường trước được là tình hình tài chính của Evergrande rối rắm hơn nhiều so với những gì công ty công bố công khai. Năm ngoái, các ngân hàng thu giữ 2 tỷ USD tiền mặt tại đơn vị dịch vụ bất động sản của Evergrande, làm lộ ra thỏa thuận vay mà công ty chưa từng tiết lộ trước đây. Evergrande và các công ty con cũng huy động khoảng 13 tỷ USD bằng các sản phẩm quản lý tài sản không ghi nhận trên bảng cân đối kế toán.

“Chính phủ không có động cơ để khiến Evergrande biến mất ngay, bởi vì đó sẽ là một tổn thất lớn đối với niềm tin của các nhà đầu tư nói chung vào một thị trường mà nhu cầu vẫn còn yếu”, theo Gianfranco Siciliano, giáo sư tại Trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc châu Âu. “Tương lai rất mờ mịt, rất không chắc chắn” nhưng điều rõ ràng hơn trước là “công ty nhiều khả năng sẽ không tồn tại được”.