VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nỗ lực tăng giá dầu bất thành của Ả Rập Xê Út

Nỗ lực tăng giá dầu bất thành của Ả Rập Xê Út

10:40 - 19/06/2023

Sản lượng cao hơn dự kiến từ các nước bị cấm vận và lo ngại về nhu cầu chậm lại đè nặng lên giá dầu thô.

Động thái giảm sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê Út công bố đầu tháng này nhằm mục đích tăng giá dầu. Nhưng nỗ lực đó gặp trở ngại trong bối cảnh sản lượng cao hơn dự kiến từ các nước bị cấm vận gồm Nga và Iran, và lo ngại kinh tế thế giới chậm lại có thể làm chậm tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu.

Khu vực đồng euro rơi vào suy thoái trong quý I. Sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc có dấu hiệu mất đà. Và ở Mỹ, nơi mà nền kinh tế chống chịu tốt hơn dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) báo hiệu khả năng tăng thêm lãi suất trong năm nay để kiềm chế lạm phát.

Ngay cả những nhà phân tích thị trường lạc quan nhất cũng đã hạ dự báo giá dầu. Các nhà giao dịch phái sinh tăng gấp 4 lần vị thế bán khống từ ngày 18/4 đến 30/5, và nhà đầu tư đang rút tiền từ các quỹ ETF theo dõi giá dầu. Cổ phiếu các công ty ngành dầu khí giảm trong năm nay dù thị trường chung tăng, ví dụ như Chevron và ConocoPhillips giảm khoảng 12%, Exxon Mobil giảm 4%.

Giá dầu thô Brent rơi xuống mức thấp nhất trong 18 tháng vào ngày 12/6.

Giá dầu thô Brent rơi xuống mức thấp nhất trong 18 tháng vào ngày 12/6.

Sự bi quan đẩy giá dầu thô Brent – thước đo giá toàn cầu – xuống 71,84 USD/thùng vào ngày 12/6, mức thấp nhất trong 18 tháng. Sau đó, giá đã hồi phục một phần và đóng cửa tuần trước ở 76,26 USD/thùng.

Việc giá dầu giảm giúp kìm hãm lạm phát trên toàn cầu. Lạm phát tháng 5 ở Mỹ bằng một nửa so với đỉnh năm ngoái. Ở Việt Nam, lạm phát xuống mức thấp nhất 14 tháng trong tháng 5, một phần nhờ giá xăng dầu giảm 26,48% so với cùng kỳ năm trước.

Ả Rập Xê Út và các thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cố gắng đẩy giá dầu lên trong những tháng gần đây bằng một loạt đợt cắt giảm sản lượng. Nhưng họ phải đối mặt với áp lực toàn cầu bao trùm thị trường.

Theo TankerTrackers.com, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga tăng 18% cho đến ngày 11/6 so với cùng kỳ năm 2022, dù phải đối mặt với các hạn chế của phương Tây. Trang web này cho biết lượng xuất khẩu của Iran – đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ – tăng 45% so với năm trước.

Nguồn cung tăng cùng lúc với các doanh nghiệp trên khắp Mỹ và Châu Âu giảm nhập khẩu, theo đó hạ nhu cầu sử dụng các tàu chở container ngốn nhiên liệu và xe tải chạy dầu diesel vận chuyển sản phẩm đến các kho và cửa hàng.

Saad Rahim – nhà kinh tế trưởng của công ty thương mại Trafigura – viết: “Sản xuất trên toàn cầu đang thu hẹp”.

Một số nhà phân tích kỳ vọng giá dầu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm do các đợt giảm sản lượng của OPEC+ bắt đầu có tác động, tồn kho xăng dầu giảm và tăng trưởng sản lượng ở Mỹ chậm lại. Các nhà sản xuất Mỹ gần đây đã ngừng hoạt động 15 giàn khoan dầu thô trong một tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ thời điểm phong tỏa Covid.

Chính sách tiền tệ của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Một số nhà kinh tế cho rằng lãi suất cao hơn có thể tác động xấu đến những lĩnh vực như sản xuất và khai khoáng, và làm gia tăng chi phí tài chính để dự trữ xăng dầu. Lợi suất tốt hơn từ các loại tài sản khác cũng có thể thúc đẩy nhà đầu tư tránh xa dầu mỏ, ngay cả khi thị trường dầu thô thắt chặt hơn.

“Sức mạnh của chính sách tiền tệ sau cùng rất lớn”, theo Francisco Blanch – một nhà phân tích tại Bank of America, đồng thời cho biết thêm rằng giá dầu sẽ tiếp tục bị kìm hãm cho đến khi các ngân hàng trung ương hạ lãi suất.