VNReport»Kinh tế»Nỗi lo suy thoái toàn cầu và tác động tới nền kinh tế Việt Nam

Nỗi lo suy thoái toàn cầu và tác động tới nền kinh tế Việt Nam

11:31 - 24/10/2022

Nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần đến suy thoái đặt ra nhiều thách thức với kinh tế Việt Nam.

Nhiều tín hiệu đáng lo ngại

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm sau xuống 2,7%. Đây là lần thứ tư con số này bị điều chỉnh xuống. IMF và WB cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều nền kinh tế duy trì chính sách thắt chặt bằng cách tăng lãi suất, trong khi tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại.

Theo tính toán của IMF, khó khăn chồng chất khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ trải qua ít nhất 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau, gây thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026.

Nỗi lo suy thoái đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu

Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trước; đến năm 2023, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm xuống khoảng 1%. Suy giảm kinh tế của các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự báo sẽ tồi tệ hơn thêm vào năm tới, trong đó có Đức và Italia.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 (3,2%) và 2023 (4,4%) do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của nước này và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mức độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng sẽ không đạt như kỳ vọng vào năm nay và năm sau.

Hiện tại, tăng lãi suất là lựa chọn của nhiều ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá cả tăng cao do thiếu hụt nguồn cung. Khoảng 90 ngân hàng trung ương khắp thế giới đã tăng lãi suất trong năm nay.

Theo số liệu của WB, số lần tăng lãi suất do các ngân hàng trung ương trên thế giới công bố đã ở mức cao nhất kể từ năm 1970. Nhiều khả năng, các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất cơ bản lên gần 4%/năm, gấp đôi mức trung bình năm ngoái, để giữ lạm phát ở mức 5%.

Theo kịch bản này và kết hợp với các áp lực trên thị trường tài chính, tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm sau chỉ ở mức 0,5% nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Mức suy giảm này tương đương với cuộc suy thoái diễn ra năm 1991. Ngoài ra, suy thoái kinh tế còn kéo theo sự sụt giảm về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dòng vốn, nhu cầu nhân lực và nhu cầu năng lượng trên quy mô toàn cầu.

Theo Chủ tịch WB David Malpass, đại dịch Covid-19 đã lấy đi những thành quả đạt được về xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu kể từ năm 1990. Khoảng 800 triệu người, tương đương gần 10% dân số thế giới, bị ảnh hưởng nạn đói trong năm 2021, nhiều hơn 46 triệu người so với năm 2020 và hơn 150 triệu người vào năm 2019. Giá lương thực và nhiên liệu cao đang tạo nên khủng hoảng phí sinh hoạt mà nhiều khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo.

Nếu suy thoái kinh tế xảy ra, ước tính sẽ có khoảng 574 triệu người, tương đương 7% dân số thế giới sẽ sống ở mức thu nhập thấp vào năm 2030, trong đó đa phần là ở châu Phi. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới khó có thể đạt được mục tiêu lâu dài là chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực vào cuối thập kỷ này.

Nỗi lo với kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp hơn 2 lần GDP. Khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Việt Nam cũng không thể tăng trưởng thuận lợi được.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 9 tháng 2022 đạt 86,3 tỷ USD; tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch 40 tỷ USD. Xếp thứ ba là thị trường EU với 35,7 tỷ USD. Trong khi hiện nay, các nền kinh tế EU đang suy giảm, nguy cơ sắp tới sẽ là Mỹ. Tại những thị trường này, lạm phát của nhiều quốc gia xấp xỉ mức 10%, chính vì vậy, tỷ lệ tồn kho hàng hóa tương đối cao, nhu cầu về đơn hàng từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023 giảm mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid. Đây là khó khăn lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,4%, nhóm hàng nông, thủy sản tăng 15,6% và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản tăng 44,9%. Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so với 30 mặt hàng của cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may tăng 24% và da giày tăng 36%. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu cả năm sẽ vượt mục tiêu đặt ra khoảng 8%/năm.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 9/2022, nhiều dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu giảm với không ít ngành hàng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước. Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp cho biết, đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ sụt giảm tại các thị trường lớn.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết sau 6 tháng đầu năm xuất khẩu tăng cao thì thị trường hàng may mặc các nước quay đầu sụt giảm vào quý III. Tình hình cho thấy hiện tổng cầu hàng dệt may toàn cầu tiếp tục có những dấu hiệu sụt giảm sâu hơn nữa vào quí IV năm nay, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ và EU… Lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều.

Hiệp hội Da Giày – Túi xách Việt Nam cũng phản ánh, các thành viên đang đối diện rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%. Các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý I/2023 cũng ít đi. EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam đang có xu hướng giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm.

Với ngành gỗ, xuất khẩu còn gặp khó khăn hơn. Kể từ đầu tháng 7, các đơn hàng xuất khẩu đã giảm sút. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, sự suy giảm này chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh, trong khi các thị trường chính là Mỹ, EU, lạm phát tăng, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh,… Người tiêu dùng ở Mỹ và EU giờ chỉ tập trung chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu nên đồ gỗ bị cắt giảm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam thì cho hay, tháng 9 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt hơn 850 triệu USD. Sau 7 tháng tăng cao, xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức thấp dưới 900 triệu USD.

Trước tình hình này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần xác định rằng, không chỉ dựa vào những thị trường truyền thống, có kim ngạch nhập khẩu lớn mà phải chuyển hướng sang các thị trường khác để bù đắp cho sự giảm sút. Cùng với đó, cần giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó giúp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường.

Tại buổi báo cáo kết quả kinh tế – xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XV), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Chính phủ Việt Nam cũng dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%…