VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»“Nốt trầm” xuất khẩu gạo trong quý đầu năm 2025

“Nốt trầm” xuất khẩu gạo trong quý đầu năm 2025

16:21 - 23/04/2025

Sau một năm 2024 đầy khởi sắc, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý đầu năm 2025 lại ghi nhận một “nốt trầm” đáng chú ý.

Theo số liệu từ Cục Hải quan mới công bố, trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 2,31 triệu tấn, mang về 1,21 tỷ USD. Đáng nói là mặc dù lượng xuất khẩu tăng 5,82%, nhưng giá trị lại giảm 15,5%, với giá xuất khẩu trung bình khoảng 522 USD/tấn, giảm 20,18%.

Sau thời gian bị hạn chế, gạo Ấn Độ quay trở lại thị trường góp phần làm dồi dào hơn nguồn cung gạo tại châu Á. Ấn Độ có lượng gạo dự trữ cao kỷ lục, làm tăng thêm nguồn cung trên thị trường quốc tế, đồng thời tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác. Điều này cũng khiến giá gạo giảm xuống.

Do giá gạo từ các nhà xuất khẩu lớn giảm, đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Philippines – thị trường lớn nhất – đạt gần 1 triệu tấn, trị giá 489 triệu USD, giảm 2,52% về lượng và 24,69% về giá trị. Tình trạng giảm giá tương tự cũng xảy ra trong xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà và Trung Quốc. Theo thống kê, giá gạo xuất khẩu sang Philippines đã giảm gần 23%, trong khi hai thị trường còn lại giảm lần lượt 25% và 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn kỳ vọng rằng giá gạo sẽ sớm cải thiện, mặc dù khó có thể trở lại mức cao như năm ngoái do nguồn cung hiện vẫn dồi dào. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, biên độ giảm giá đã hẹp lại so với hai tháng đầu năm.

Do giá gạo từ các nhà xuất khẩu lớn giảm, đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, các nhà nhập khẩu gạo từ Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn đang tích cực thương thảo hợp đồng mua gạo cho quý II và III. Các chuyên gia trong ngành lúa gạo cho rằng Việt Nam vẫn còn khả năng tăng xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường lớn và gần. Thương vụ Việt Nam tại Philippines dự đoán nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2025 vẫn cao, và Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu tại Philippines.

Thực tế, Philippines là một thị trường truyền thống của gạo Việt Nam, chiếm khoảng 80-85% thị phần. Từ năm 2022, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines luôn đạt từ 3 đến 4 triệu tấn mỗi năm, dự báo năm 2025 sẽ đạt khoảng 4,35 triệu tấn.

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại tại Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đưa ra nhận định rằng gạo Việt Nam giữ vị trí hàng đầu xuất khẩu sang Philippines nhờ vào chất lượng, giá cả hợp lý và khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân nước này. Chưa kể đến Việt Nam còn có nguồn cung gạo ổn định và khoảng cách địa lý thuận lợi, cùng với nhiều doanh nghiệp có mối quan hệ lâu dài và uy tín với các đối tác Philippines. Bất chấp cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ và Thái Lan, gạo Việt Nam vẫn có chỗ đứng tại thị trường Philippines.

Ngoài thị trường Philippines, xuất khẩu gạo sang châu Phi cũng được đánh giá là có tiềm năng lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các quốc gia châu Phi đang tăng cường nhập khẩu gạo, dự kiến năm 2025 châu Phi sẽ trở thành khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhiều quốc gia tại đây đã trở thành khách hàng của gạo Việt.

Cụ thể, năm 2024, Bờ Biển Ngà đã nhập khẩu 483.000 tấn gạo của Việt Nam với giá trị đạt 286 triệu USD, trở thành khách hàng lớn thứ năm của Việt Nam. Trong quý I năm 2025, Bờ Biển Ngà cũng chiếm đến 16,3% thị phần, đứng thứ hai trong danh sách khách hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam, chỉ sau Philippines (42,1%).

Năm 2024, Ghana cũng là một trong những khách hàng lớn của gạo Việt Nam với 613.000 tấn, tăng 4,3% so với năm trước, trị giá 424 triệu USD.

Đặc biệt, gạo Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu sang Indonesia và Trung Quốc. Đối với các thị trường yêu cầu cao như EU, Nhật Bản, và Mỹ, mặc dù sản lượng xuất khẩu nhỏ, nhưng gạo cao cấp được xuất khẩu với giá từ 800 đến 1.200 USD/tấn, mang lại giá trị lớn.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sản lượng gạo xuất khẩu năm 2025 có thể đạt khoảng 7,5 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn của năm 2024. Mặc dù sản lượng xuất khẩu có xu hướng giảm, nhưng ngành lúa gạo Việt Nam vẫn có cơ hội duy trì giá trị xuất khẩu ổn định nếu tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các giống gạo chất lượng cao như ST24, ST25 – những sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Để nâng cao giá trị và duy trì sức hấp dẫn đối với các thị trường nhập khẩu khó tính, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tiếp tục cải thiện chất lượng gạo thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến. Thứ hai là đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đặc biệt chú trọng phát triển các giống gạo thơm, gạo đặc sản có giá trị cao. Quan trọng không kém là cần chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và kiểm soát chặt chẽ vấn đề dư lượng hóa chất để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

https://baodautu.vn/not-tram-xuat-khau-gao-trong-quy-dau-nam-2025-d269042.html