VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nước ngọt có thể bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, các hãng sản xuất cần làm gì?

Nước ngọt có thể bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, các hãng sản xuất cần làm gì?

13:01 - 19/05/2023

Trước nguy cơ nước giải khát có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng với thay đổi trong sở thích tiêu dùng, các hãng sản xuất nước ngọt cần xoay trục sang những sản phẩm ít đường và có lợi cho sức khỏe hơn.

Bộ Tài chính đang đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào nhóm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này xếp nước giải khát có đường vào cùng danh mục với những sản phẩm như rượu và thuốc lá: bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì có tác động xấu lên sức khỏe.

Đề xuất này từng được đưa ra thảo luận vào năm 2018. Những khi đó, nó không được thông qua và vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các bộ, ngành, chuyên gia và doanh nghiệp.

Ví dụ, năm 2018, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phản đối đề xuất đánh thuế này và nghi ngờ hiệu quả của những chính sách tương tự trên thế giới. Cần lưu ý Mỹ là nơi có những doanh nghiệp sản xuất nước giải khát hàng đầu thế giới như Coca-Cola và Pepsi. Có một số nghiên cứu về thuế tương tự ở Mexico cho thấy tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ước tính giảm 6% trong năm đầu tiên thực hiện.

Bộ Tài chính từng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường vào năm 2018.

Bộ Tài chính từng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường vào năm 2018.

Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) nêu quan ngại với những dự thảo luật trước đây. Họ khuyến nghị luật cần rõ ràng hơn, chẳng hạn như loại trừ những đồ uống không làm ngọt như sữa, mà châu Âu là một nhà sản xuất chính. Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến đó và trong bản dự thảo mới nhất, các loại đồ uống gồm sữa, đồ uống dinh dưỡng, nước rau quả và sản phẩm từ cacao bị loại trừ khỏi diện đánh thuế.

Trái với những ý kiến phản đối, Tổ chức Y tế Thế giới ủng hộ việc đánh thuế này. Năm 2018, họ ghi nhận 1/4 dân số Việt Nam béo phì. Các luật tương tự đã được những nước trong khu vực gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Myanmar thông qua.

Thị trường nước giải khát Việt Nam ước tính trị giá khoảng 8,25 tỷ USD trong năm 2023 và tăng trưởng với tốc độ trung bình năm 6,19% từ 2023 đến 2027, theo Statista. Đây là một thị trường lớn cho các hãng nước giải khát nước ngoài.

Việt Nam không chỉ là một thị trường tiêu thụ lớn mà còn có khả năng là nơi đặt cơ sở sản xuất phục vụ cho toàn khu vực Đông Nam Á. Coca-Cola hiện có 4 nhà máy ở Việt Nam với cơ sở mới nhất được công bố vào tháng 10/2022 ở tỉnh Long An.

Mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt có thể phần nào làm giảm nhu cầu, nó sẽ không cản trở hoàn toàn tăng trưởng. Thuế tiêu thụ đặc biệt thậm chí có thể không phải là mối quan tâm chính của các nhà sản xuất nước ngọt. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có ý thức về sức khỏe và sự thay đổi trong sở thích tiêu dùng là thách thức cũng như cơ hội cho các nhà sản xuất đồ uống.

Xu hướng này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Coca-Cola và Pepsi đều cung cấp ở nhiều thị trường những sản phẩm được coi là tốt hơn cho sức khỏe như nước trái cây, trà, đồ uống dinh dưỡng … Điều đó chi phối chiến lược mua lại của họ trong những năm gần đây.

Một nghiên cứu của Cimigo vào năm 2022 cho thấy cứ 3 người tiêu dùng Việt Nam thì có 2 người sẵn sàng trả thêm tới 10% cho thực phẩm tự nhiên hoặc hữu cơ. Nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm được coi là tốt cho sức khỏe cũng xuất hiện rõ ở siêu thị và cửa hàng tạp hóa, nơi những sản phẩm được chứng nhận hữu cơ có thể bán được với giá cao hơn đáng kể.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có thể không được thông qua lần này, nhưng những nỗ lực liên tục cho thấy khả năng nước ngọt bị đánh thuế trong tương lai là rất cao. Các hãng sản xuất nước giải khát cần lên kế hoạch cho điều này bằng cách xoay trục sang những lựa chọn ít đường, tốt cho sức khỏe hơn.