VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»OECD không muốn Việt Nam chi tiền cho doanh nghiệp để bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu

OECD không muốn Việt Nam chi tiền cho doanh nghiệp để bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu

14:48 - 15/06/2023

Chính phủ đang xem xét một kế hoạch trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp đa quốc gia để bù đắp cho khoản thuế cao hơn mà họ phải trả một khi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực.

Theo một nguồn tin của Reuters, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) cho rằng Việt Nam không nên chi tiền cho các doanh nghiệp đa quốc gia lớn để bù đắp cho thuế cao hơn theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.

OECD là tổ chức khởi xướng cho quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, đã được khoảng 140 nước – bao gồm Việt Nam – chấp thuận. Theo đó, các doanh nghiệp đa quốc gia với doanh thu hàng năm hơn 750 triệu euro sẽ phải trả thuế suất thu nhập doanh nghiệp ít nhất 15%. Nếu thuế suất ở nước sở tại không đạt mức này, nước mà công ty đặt trụ sở có thể thu thêm thuế để thuế suất đạt 15%.

Tháng trước, theo một nguồn tin của Reuters, Chính phủ đang lên kế hoạch trợ cấp hàng trăm triệu USD nhằm bù đắp một phần cho các công ty đa quốc gia có khoản đầu tư lớn vào đất nước, như Samsung Electronics và Intel, khi những công ty này phải đóng thuế nhiều hơn từ năm sau.

Ưu đãi về thuế là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài.

Ưu đãi về thuế là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài.

Đây là nỗ lực đầu tiên được biết đến trên thế giới nhằm vượt qua quy tắc toàn cầu mới, nhưng theo nguồn tin, các nước khác cũng đang xem xét động thái tương tự. OECD đã cảnh báo về khả năng những biện pháp này “làm tổn hại đến mục đích cuối cùng” của cải cách thuế.

Mục đích của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là đối phó với hành vi chuyển thuế, cho phép các công ty đa quốc gia trả thuế rất thấp hoặc không trả thuế. Thông thường, điều này được thực hiện bằng cách đặt trụ sở chính của công ty tại các thiên đường thuế – như một số đảo ở vùng Caribe hoặc các quốc gia nhỏ ở châu Âu – nơi họ không sản xuất kinh doanh.

Ưu đãi về thuế là một trong các yếu tố giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều thập kỷ qua, trở thành một trung tâm sản xuất lớn. Những yếu tố khác bao gồm chi phí lao động rẻ, khoảng cách gần với Trung Quốc, các hiệp định thương mại tự do và chính phủ ổn định.

Để không bị thất thoát thuế, Việt Nam muốn đưa ra luật đảm bảo các doanh nghiệp trả thuế suất ít nhất 15%, nhưng lo ngại điều này sẽ làm đất nước kém hấp dẫn hơn đối với các công ty đa quốc gia. Những công ty này đòi hỏi Chính phủ có những ưu đãi khác để bù đắp cho thuế cao hơn. Năm 2019, Samsung trả thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 5,1% đến 6,2% ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Đầu tháng này, các quan chức của OECD gặp quan chức Chính phủ Việt Nam và nói rằng nếu trợ cấp cho doanh nghiệp đa quốc gia được coi là bù đắp trực tiếp cho thuế cao hơn, thì “thuế bổ sung trong nước sẽ bị loại bỏ”, theo nguồn tin

Người này cho biết OECD nói rõ rằng những công ty đó sẽ phải trả thuế bổ sung tại nước mà họ đặt trụ sở, ví dụ như Hàn Quốc trong trường hợp của Samsung.

Quan chức thuế cấp cao John Peterson của OECD từ chối bình luận về cuộc gặp, nhưng nói rằng nếu một quốc gia bồi thường cho doanh nghiệp bằng “các lợi ích có mục tiêu cụ thể, ví dụ như dưới dạng trợ cấp hoặc tín dụng thuế”, thì quốc gia đó sẽ không được thu thêm từ thuế bổ sung.

Trong trường hợp đó, doanh nghiệp “chỉ đơn giản là sẽ phải chịu thuế bổ sung, bằng với số tiền tương tự, ở một khu vực tài phán khác”.

Theo kế hoạch ban đầu (có thể thay đổi), ưu đãi của Việt Nam sẽ dưới dạng trợ cấp tiền mặt sau thuế hoặc tín dụng thuế hoàn lại. Ưu đãi không chỉ áp dụng cho những công ty đa quốc gia lớn bị áp thuế tối thiểu toàn cầu, mà còn cả những công ty nhỏ hơn.

Quyết định ưu đãi sẽ được đưa ra theo từng trường hợp cụ thể và không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa khoản trợ cấp và thuế bổ sung.

Khi được hỏi liệu kế hoạch đang xem xét này có được coi là một khoản trợ cấp trực tiếp để bù đắp thuế cho các công ty đa quốc gia hay không, OECD từ chối bình luận vì kế hoạch của Việt Nam chưa hoàn thiện.