VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ông Trần Đình Long: Hòa Phát cần nhiều vốn, không thể tăng cổ tức tiền mặt

Ông Trần Đình Long: Hòa Phát cần nhiều vốn, không thể tăng cổ tức tiền mặt

14:44 - 24/05/2022

Hòa Phát đề xuất chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt bị nhiều cổ đông cho là thấp.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Hòa Phát diễn ra ngày 24/5 tại Hà Nội, nhiều cổ đông đề xuất tập đoàn tăng cổ tức bằng tiền mặt. Trước yêu cầu đó, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn – cho biết: “Tôi là cổ đông lớn nhất, tâm huyết nhất, nên nếu nói về tâm huyết trước sau như một thì trên thị trường chứng khoán tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát”.

Ông Long cho biết ông cảm thấy “rất buồn” trước những ý kiến của các nhà đầu tư trên diễn đàn F319 đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận, rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là “giấy lộn”.

Cuối tháng 4 vừa qua, HĐQT Hòa Phát đề xuất phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Như vậy, nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu HPG sẽ nhận được 50.000 đồng tiền mặt (chưa trừ thuế, phí) và 30 cổ phiếu HPG mói.

Hiện, Hòa Phát có hơn 4,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi khoảng 2.236 tỷ đồng tiền mặt và phát hành 1,34 tỷ cổ phiếu mới. Tổng số cổ phiếu sau khi chia cổ tức là hơn 5,8 tỷ đơn vị. 2 năm gần đây nhất, Hòa Phát cũng chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% mỗi năm, song song với cổ tức bằng cổ phiếu.

Ông Trần Đình Long phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Hòa Phát.

Ông Trần Đình Long phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Hòa Phát.

Ông Long cũng thông tin rằng Hòa Phát có 161.000 cổ đông, nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông coi đây là minh chứng cho uy tín của tập đoàn với hơn 30.000 nhân viên.

“Trong nhiều lần họp HĐQT, tôi từng phát biểu nếu dừng lại thì chúng ta sẽ chết, đối thủ cạnh tranh sẽ vượt qua. Ý nghĩa của từ “không dừng lại” còn được hiểu là ngoài những gì chúng ta đã có, chúng ta sẽ vươn tầm khu vực, sẽ làm dự án Dung Quất 2 đạt 14,5 triệu tấn thép. Hiện nay, ban nghiên cứu phát triển tập đoàn đang nghiên cứu các dự án thép nữa. Đắk Nông là một trong những dự án chúng tôi nghiên cứu. Hòa Phát sẽ không dừng lại”, ông nói.

“Để vươn lên một tầm mới, chúng ta cần rất nhiều vốn”, ông Long cho biết và thông tin rằng dự án thép Dung Quất 2 có vốn cố định 70.000 tỷ đồng, vay ngân hàng 35.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021, dịch Covid-19 dường như không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Hòa Phát. Doanh thu hợp nhất năm 2021 của tập đoàn đạt 150.865 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 34.521 tỷ đồng (tăng 55,6%).

Nộp ngân sách năm 2021 của tập đoàn đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. 3 địa phương mà Hòa Phát đóng góp ngân sách nhiều nhất là Quảng Ngãi, Hưng Yên và Hải Dương.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Hòa Phát sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và nhiều dự án bất động sản đô thị tại một số địa phương trên cả nước.

Tại đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo Hòa Phát cũng nhận định ngành thép đang xấu đi vì giá nguyên liệu tăng sốc và nhu cầu thép của Trung Quốc suy giảm, trrong khi thị trường xuất khẩu của Hòa Phát không ổn định, phụ thuộc nhiều vào chế độ chính sách. Theo ông Long, doanh nghiệp sẽ khó đạt được kế hoạch kinh doanh năm nay.

Về mảng bất động sản, ông Long cho rằng giá bất động sản ở mức quá cao trong năm ngoái do thị trường phát hành trái phiếu quá dễ dàng và suốt thời gian qua, Hòa Phát chưa mua một dự án nào. Ông cũng cho biết tập đoàn hy vọng có thể khai thác chuyến hàng đầu tiên từ mỏ quặng sắt mà Hòa Phát mua lại ở Úc năm ngoái.