VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ông Trịnh Văn Quyết rơi khỏi top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán

Ông Trịnh Văn Quyết rơi khỏi top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán

11:40 - 29/03/2022

Tài sản của chủ tịch FLC giảm sâu sau phiên lao dốc đầu tuần của các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái tập đoàn này.

Cổ phiếu của Tập đoàn FLC đang là tâm điểm của thị trường chứng khoán khi bị bán tháo với khối lượng lớn, sau thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Quyết bị hoãn xuất cảnh.

Kết thúc phiên 28/3, mã FLC chỉ giao dịch được 5,1 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn 13.600 đồng, trong khi mức dư bán sàn ở thời điểm đóng cửa lên tới 93 triệu đơn vị. Tương tự, cổ phiếu FLC Faros (ROS) giảm sàn xuống 8.770 đồng với hơn 86 triệu đơn vị dư bán ở mức giá sàn.

KLF của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS giảm xuống 6.400 đồng với tổng số 21 triệu cổ phiếu dư bán sàn. Cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư Đá và Khoáng sản FLC dư bán 12,9 triệu đơn vị ở mức giá sàn 6.650 đồng.

Cổ phiếu Nông dược H.A.I (HAI) giảm về 6.320 đồng và có hơn 12,9 triệu đơn vị chất sàn. ART của Chứng khoán BOS giảm 10.300 đồng với hơn 7,8 triệu đơn vị dư bán ở giá sàn. Riêng GAB của Công ty Cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC chưa có giao dịch.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, các cổ phiếu họ FLC có chưa đến 25 triệu đơn vị được khớp lệnh. Trong khi đó, giới đầu tư vẫn đang tìm mọi cách để thoát hàng khi có tới hơn 230 triệu cổ phiếu dư bán ở mức giá sàn, một kỷ lục trên thị trường.

Việc lao dốc trên khiến các cổ đông, bao gồm ông Trịnh Văn Quyết, chịu thiệt hại nặng.

Doanh nhân người Vĩnh Phúc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC từ năm 2010 và là cổ đông lớn nhất với quyền sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn tập đoàn. Hiện, trị giá số cổ phiếu FLC mà ông Quyết đang nắm giữ chỉ còn hơn 2.929 tỷ đồng, tức lỗ hơn 152 tỷ đồng so với một ngày trước đó.

Một khoản đầu tư lớn khác là vào GAB. Cổ phiếu này ít có giao dịch nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi các cuộc khủng hoảng. Thị giá cổ phiếu GAB vẫn được duy trì ở mức 196.400 đồng. Cá nhân ông Quyết là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB (tương đương 51,1% vốn). Giá trị thị trường của khối cổ phiếu này là hơn 1.495 tỷ đồng.

Ông Quyết cũng đang trực tiếp nắm giữ gần 3,2 triệu cổ phiếu ART. Với thị giá xuống 10.500 đồng, số cổ phiếu này chỉ có giá trị 32 tỷ đồng.

Tại FLC Faros (ROS), ông Quyết thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại công ty này vào tháng 5/2017 và liên tục bán hơn 267 triệu cổ phiếu ROS để không còn là cổ đông lớn và người nội bộ, do đó không còn phải công khai thông tin giao dịch. Theo báo cáo tại thời điểm 31/12/2020, Chủ tịch FLC sở hữu 23,7 triệu cổ phiếu ROS, tương ứng 4,17% vốn. Nếu ông Quyết giữ nguyên tỷ lệ sở hữu này đến ngày hôm nay thì lượng cổ phiếu ROS nêu trên trị giá 208 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị cổ phiếu mà Chủ tịch FLC đang nắm giữ tại các công ty trên sàn chứng khoán vào khoảng 4.664 tỷ đồng, nằm ngoài top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán.

So với thời hoàng kim, giá trị khối cổ phiếu đã giảm sút rất nhiều. Năm 2017, ông Quyết nắm giữ cổ phiếu trên sàn chứng khoán với giá trị hơn 58.850 tỷ đồng (2 tỷ USD), giúp ông chiếm vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, khối tài sản của đại gia này liên tục sụt giảm do giá cổ phiếu lao dốc và tỷ lệ sở hữu giảm.

Tất nhiên, đây chỉ là một phần tài sản của ông Quyết vì doanh nhân này còn nắm cổ phần tại một số công ty khác cũng như hàng loạt bất động sản lớn. Trong đó bao gồm cổ phần 56,5% của Bamboo Airways tại thời điểm 1/6/2021 và 52,49% vốn FLC Homes vào cuối năm 2020.

Tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng, tương ứng 1,85 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Lãnh đạo Bamboo Airways nhiều lần nhắc đến kế hoạch IPO với mức giá không dưới 60.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa thị trường 111.000 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD).

Còn FLC Homes hiện có vốn điều lệ 4.160 tỷ đồng. Công ty dự kiến đăng ký giao dịch trên UPCoM với giá khởi điểm 35.000 đồng/cổ phiếu.

Tại báo cáo tài chính năm 2018, ông Quyết và vợ (bà Lê Thị Ngọc Diệp) từng sử dụng 5 căn biệt thự tại khu đô thị mới Mỹ Đình II (Hà Nội) để bảo đảm cho khoản vay của Tập đoàn FLC. Các căn biệt thự này gồm B12-BT6, B28-BT1A, B30-BT6, B3-BT6, B32-BT6 với mức định giá 95 tỷ đồng.