VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»“Ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không

“Ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không

08:58 - 04/06/2021

Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất lập hãng bay chở hàng vốn 100 triệu USD.

Công ty cổ phần IPP Air Cargo vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Theo đó, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa đầu tiên ở Việt Nam

Dự kiến nếu được cấp phép, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá trong năm đầu tiên, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. Theo đúng kế hoạch, công ty ước tính dự án sẽ bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

IPP Air Cargo hy vọng được phê duyệt dự án đầu tư, lấy được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III/2021; lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý V/2021; thực hiện chuyến bay thương mại vào quý II/2022.

IPP Group của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn là tập đoàn kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. IPPG hiện có 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết.

Năm 2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã chuyển 89% vốn điều lệ tại IPP cho vợ con. Ông hiện giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế, trung tâm thương mại và dịch vụ phòng chờ tại sân bay.

IPP Group cũng từng đặt vấn đề mua sân bay Phú Quốc và trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhưng chưa thành công. Công ty là cổ đông lớn nhất, giữ 30% cổ phần của Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh – chủ đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế tại sân bay Cam Ranh.

Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt. Trong khi đó hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không Việt Nam đã sử dụng máy bay chở khách để chở hàng hóa nhằm kiếm thêm doanh thu khi vận tải hành khách khó khăn.