VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Phó Thủ tướng: Việt Nam vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Phó Thủ tướng: Việt Nam vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,5%

13:33 - 26/05/2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói rằng việc duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,5% sẽ tạo “áp lực tốt” cho người dân.

Bất chấp áp lực từ lãi suất cao trên toàn cầu, Việt Nam sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Phát biểu ngày 25/5 tại diễn đàn Tương lai châu Á ở Tokyo do báo Nikkei tổ chức, ông Quang nói rằng mức tăng trưởng 3,32% trong quý I “không phù hợp”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ngày 25/5 ở Tokyo.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ngày 25/5 ở Tokyo.

Ông cho biết khu vực công vẫn trì trệ và đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu hơn và đầu tư ít hơn vào khu vực tư nhân, khi lãi suất tăng ở Mỹ và các nơi khác khiến nền kinh tế toàn cầu chậm lại.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư cho khu vực công … để bù đắp cho một số lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thể đáp ứng được”, ông Quang nói. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc đầu tư công “có một số chậm trễ”.

“Trong quý III, chúng tôi sẽ có thể thấy một số lợi ích từ các chính sách của mình”, ông nói. “Trong quý IV, chúng tôi sẽ thấy những lợi ích thực sự”.

Ông cho biết mục tiêu 6,5% vẫn “rất quan trọng” và việc duy trì nó sẽ tạo “áp lực tốt” cho người dân Việt Nam để hướng tới mục tiêu.

Trước đó, vào ngày 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định rằng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% “là rất khó khăn”. Cũng trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước công bố đợt giảm lãi suất điều hành thứ ba kể từ giữa tháng 3, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về căng thẳng địa chính trị, ông Quang nói: “Các nước châu Á cần cùng nhau chia sẻ và hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, lấy Hiến chương Liên hợp quốc làm trung tâm”. Ông không đề cập đến bất kỳ xung đột hay quốc gia cụ thể nào, nhưng nhận xét của ông được đưa ra khi Trung Quốc đang mở rộng hoạt động quân sự của mình ở Biển Đông.

“Các nước châu Á, nhất là các nước lớn trong khu vực, cần vượt qua khác biệt, tìm kiếm những vấn đề chung để hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”, ông Quang nói.