VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 10 giảm nhẹ, sản lượng giảm 2 tháng liền

PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 10 giảm nhẹ, sản lượng giảm 2 tháng liền

11:10 - 01/11/2023

PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 49,6 trong tháng 10, dưới ngưỡng 50 trong tháng thứ hai liên tiếp, khi sản lượng giảm mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhẹ.

Các điều kiện kinh doanh tổng thể trong ngành sản xuất của Việt Nam xấu đi một chút trong tháng 10, khi các công ty tiếp tục giảm sản lượng mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhẹ. Ở khía cạnh tích cực hơn, việc làm ổn định sau một thời gian giảm và các công ty tiếp tục tăng mua hàng khi tâm lý lạc quan về triển vọng cho năm tới.

Sự kết hợp giữa giá dầu tăng và tiền đồng yếu đi khiến tốc độ lạm phát chi phí đầu vào tăng tốc trong tháng thứ hai liên tiếp, kéo theo giá đầu ra cũng tăng.

Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global khảo sát vẫn ở dưới ngưỡng 50 trong tháng 10 (ngưỡng phân tách tăng trưởng và thu hẹp), giảm xuống còn 49,6 từ mức 49,7 trong tháng 9. Dữ liệu này báo hiệu sức khỏe ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm PMI là sản lượng giảm trong 2 tháng gần đây. Mức giảm mới nhất nhẹ do một số công ty tăng sản lượng để bắt kịp tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới. Nhưng nhìn chung, họ vẫn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng mà không cần mở rộng sản lượng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ ba liên tiếp khi nhu cầu của khách hàng có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thấp và yếu nhất trong 3 tháng qua. Có dấu hiệu cho thấy khách hàng vẫn ngần ngại cam kết đơn hàng mới.

Việc làm nhìn chung không đổi trong tháng 10, chấm dứt chuỗi giảm 7 tháng liên tiếp. Những công ty tham gia khảo sát tăng lực lượng lao động cho biết họ làm vậy để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn khi vẫn còn tâm lý lạc quan về triển vọng sản xuất trong năm tới.

Việc làm ổn định và năng lực sản xuất không dùng hết giúp các doanh nghiệp giảm bớt rõ rệt lượng công việc tồn đọng trong tháng 10. Tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021.

Áp lực lạm phát tiếp tục tăng đầu quý IV, với cả chi phí đầu vào và giá đầu ra đều tăng nhanh hơn. Các tỷ lệ lạm phát đều đạt cao nhất 8 tháng.

Nhiều người nhắc đến giá dầu tăng đẩy chi phí đầu vào tăng cao, với giá nhiên liệu và nhựa lên theo giá dầu. Trong khi đó, sự mất giá của tiền đồng so với USD gây ra thêm áp lực chi phí. Để bù đắp, các doanh nghiệp tăng mạnh giá bán của mình.

Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng trong tháng thứ ba liên tiếp khi các doanh nghiệp nỗ lực xây dựng nguồn dự trữ đầu vào trước khi sản lượng tăng theo dự kiến. Tuy nhiên, nỗ lực này thường không có kết quả khi tồn kho hàng mua tiếp tục giảm.

Tồn kho thành phẩm cũng giảm do các nhà sản xuất lựa chọn sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng đơn đặt hàng mới thay vì mở rộng sản xuất. Mức giảm thứ hai liên tiếp của tồn kho thành phẩm là nhẹ, nhưng rõ rệt nhất kể từ tháng 1.

Cuối cùng, thời gian giao hàng của các nhà cung cấp được cải thiện từ đầu năm và tiếp tục cải thiện trong tháng 10, khi có báo cáo về năng lực dư thừa tại các nhà cung cấp. Dù vậy, thời gian giao hàng được rút ngắn ít nhất kể từ tháng 4.

Andrew Harker – Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence – nhận xét: “Dữ liệu PMI đầu quý cuối năm vẽ nên một bức tranh tương tự như cuối quý III. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng nhưng chỉ với tốc độ khiêm tốn và không đủ để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Thay vào đó, các nhà sản xuất bằng lòng giảm lượng tồn kho thành phẩm để đáp ứng nhu cầu”.

“Có tin tức tích cực hơn về khía cạnh việc làm khi giai đoạn giảm việc làm kéo dài 7 tháng kết thúc. Điều này, cùng với hoạt động mua hàng tăng và tâm lý tích cực, cho thấy các công ty đang trở nên tự tin hơn rằng sự cải thiện nhu cầu gần đây sẽ được duy trì trong những tháng tới”.

“Diễn biến đáng chú ý khác trong tháng 10 là áp lực lạm phát tăng thêm, khi giá dầu cao hơn và đồng tiền suy yếu đẩy chi phí đầu vào tăng cao”.